Nhiều tháng qua, trên cả nước đã xảy ra tình trạng thiếu vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng khiến nhiều trẻ bị trễ lịch tiêm phòng. Điều này dẫn tới tâm lý lo lắng của các bà mẹ bởi trẻ có nguy cơ rất cao mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có những bệnh nguy hiểm như lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà...

Bộ Y tế cho biết đang nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu vaccine. Tối 15/12, 490.600 liều vaccine 5 trong 1 do Chính phủ Úc tài trợ về đến Việt Nam. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ phân bổ lượng vaccine này theo nhu cầu của 63 tỉnh thành và hướng dẫn các địa phương triển khai tiêm theo thứ tự ưu tiên.

Thứ nhất, ưu tiên vaccine được phân bổ để tiêm chủng trẻ chưa được tiêm mũi 1 vaccine 5 trong 1. Ưu tiên trước cho trẻ có nhóm tuổi nhỏ nhất từ 2 tháng tuổi trước rồi mới đến những trẻ có tháng tuổi lớn hơn bao gồm cả những trẻ trên 12 tháng tuổi.

Thứ hai, tiêm trả mũi 2, mũi 3 cho những trẻ chưa đuợc tiêm đủ 3 mũi vacine 5 trong 1 bao gồm cả trẻ trên 12 tháng tuổi.

Dự kiến trong tuần cuối tháng 12, các địa phương sẽ có thể tiến hành tiêm cho trẻ.

Tuy nhiên, điều mà nhiều bậc cha mẹ băn khoăn là những trẻ bị trễ lịch tiêm phòng quá lâu có phải tiêm lại từ đầu và việc tiêm dồn dập các mũi vaccine có ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ hay không?

Trao đổi với phóng viên VOV2, BS Nguyễn Văn Thành – Trung tâm Tiêm chủng, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, nguyên tắc chung khi trẻ bị muộn lịch tiêm là tiếp tục tiêm ngay thời điểm trẻ có thể quay lại nơi tiêm chủng. Trẻ cũng không cần phải tiêm lại từ đầu các mũi vaccine, nếu trẻ vẫn còn trong độ tuổi chỉ định tiêm.

“Ví dụ với vaccine phòng bệnh viêm gan B, , trẻ cần được tiêm ngay trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều cơ sở y tế không có vaccine phòng viêm gan B để tiêm cho trẻ. Trẻ vẫn có thể tiêm viêm gan B trong vòng 7 ngày sau sinh. Hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày từ 50-57% và không đạt được nếu tiêm sau 7 ngày. Khi có vaccine trở lại, trẻ sẽ tiêm vaccine 5 trong 1 có thành phần phòng viêm gan B khi đủ hai tháng tuổi theo lịch của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.” – BS Thành nêu ví dụ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thành cũng cho biết, việc tiêm phòng 2 mũi hoặc nhiều mũi bù cùng lúc không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Các nghiên cứu khoa học và thực tế đều có chung kết luận việc tiêm cùng lúc nhiều loại vaccine hoàn toàn không gây hại hay gây ra các phản ứng sau tiêm ở trẻ. Việc tiêm đồng thời các vaccine sẽ tạo nên đáp ứng miễn dịch và các phản ứng phụ tương đương như tiêm từng loại vaccine riêng lẻ.

Tuy nhiên, tùy theo tình trạng sức khỏe của bé, tiền sử dị ứng, các bậc phụ huynh vẫn cần đến các cơ sở tiêm chủng uy tín để được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa với các trường hợp cụ thể của trẻ.

Phòng bệnh cho trẻ thế nào trong thời gian chờ đợi vaccine?

Trong thời gian chờ vaccine, để phòng tránh bệnh cho trẻ nhất là ở giai đoạn hiện nay, bác sĩ Nguyễn Văn Thành khuyến cáo tất cả mọi người chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng chung cho các bệnh truyền nhiễm như: thường xuyên rửa sạch bàn tay đặc biệt là trước khi tiếp xúc với trẻ em; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, chủ động mang khẩu trang khi có triệu chứng hô hấp; thực hiện vệ sinh các bề mặt tiếp xúc; giữ nhà cửa thông thoáng…

Trong trường hợp mong muốn trẻ được tiêm đầy đủ đúng lịch, phụ huynh có thể đưa trẻ đến các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để tiêm chủng.

“Nguyên tắc chung khi tiêm chủng là tiêm đầy đủ và đúng lịch 1 loại vaccine sẽ đạt hiệu quả tốt nhất, không nên hoán đổi các loại vaccine của các nhà sản xuất khác nhau. Tuy nhiên, trong trường hợp bất khả kháng, nếu điều kiện thực tế không có vaccine của cùng nhà sản xuất thì vẫn có thể tiêm vaccine hiện có với cùng kháng nguyên với mũi tiêm trước đó. Vaccine 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng hay 6 trong 1 trong chương trình tiêm chủng dịch vụ hoàn toàn có thể thay thế nhau được” – BS Thành cho biết.