Phòng chống Covid-19, ai cũng có tâm lý phải ăn uống đủ chất, và tất nhiên, vitamin vẫn luôn đứng đầu danh sách những thứ cần bổ sung như trường hợp chị Lê Thanh Thảo - sống tại quận Thanh Xuân – Hà Nội. "Trong giai đoạn Covid-19, hệ miễn dịch của tôi bị suy giảm do vậy phải tìm cách để tăng đề kháng của mình lên và cách tôi chọn và cho rằng đó là tốt nhất chính là vitamin. Mình ăn hoa quả tươi, uống thêm loại uống thực phẩm chức năng đa vitamin, khoáng chất, uống thế hiệu quả nhanh và hấp thụ tốt hơn”- chị Thảo chia sẻ.

Những người cao tuổi như bà Nguyễn Thu Mai hay bà Phạm Thị Liên sống tại Hà Nội cho rằng, sức đề kháng của mình kém hơn người khác nên đã tìm hiểu các cách để có thể đẩy hệ miễn dịch tốt lên: “Mua cam tươi nhiều lắm, vắt ra rồi làm ấm lên để uống. Vitamin rất quan trọng như vitamin B, D, vitamin tổng hợp, Omega3, kẽm… tôi cũng uống thường xuyên”.

Theo BS Đoàn Ngọc Hà - Phòng khám tư vấn dinh dưỡng VIAM- Viện Y học ứng dụng VN, các vitamin và các loại thuốc bổ không có tác dụng điều trị Covid-19, mà chỉ có tác dụng hỗ trợ, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể để tăng khả năng phòng bệnh. Đối với người đã từng mắc Covid-19 thì những loại thuốc này giúp tăng khả năng hồi phục sức khỏe sau khi khỏi bệnh. Do vậy, không phải ai cũng cần sử dụng các loại thực phẩm chức năng và các loại vitamin tổng hợp. BS Đoàn Ngọc Hà khuyến cáo, nếu nạp quá nhiều vitamin có thể dẫn đến tình trạng dư thừa, bởi chỉ những người bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng và nếu không thể cải thiện được bằng chế độ dinh dưỡng thì mới cần bổ sung vitamin bằng thực phẩm chức năng.

Chính vì vậy, BS Đoàn Ngọc Hà đưa ra những lưu ý khi bổ sung vitamin:

Những nhóm vitamin có thể dư thừa và gây hại cho sức khỏe

Vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E là những vitamin rất dễ bị thừa dẫn đến những hậu quả khó lường nếu bổ sung một cách bừa bãi.

Thừa vitamin A: đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, rối loạn nội tiết. Đặc biệt với phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu, nếu bổ sung vitamin A liều cao kéo dài có thể gây dị dạng thai nhi.

Liều cao vitamin D có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như rối loạn chức năng dạ dày, tổn thương thận và viêm tụy, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Thừa vitamin E: Ảnh hưởng đến sự dự trữ vitamin A trong cơ thể.

Bổ sung vitamin C quá liều sẽ dẫn các triệu chứng kích ứng tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy. Uống vitamin C liều cao kéo dài có thể gây sỏi thận.

Nếu chúng ta bổ sung các vi chất khác như kẽm kéo dài và dư thừa sẽ dẫn đến tình trạng biếng ăn, hạn chế hấp thu sắt vào cơ thể, gây ra những rối loạn tiêu hóa khác.

Uống sắt kéo dài gây ra thừa sắt dẫn đến gan nhiễm sắt, tim nhiễm sắt dẫn đến suy tim

Bổ sung quá nhiều kẽm có thể khiến cơ thể bị dư thừa kẽm. dẫn đến biếng ăn, hạn chế hấp thu sắt, nôn, rối loạn tiêu hoá

Thừa can-xi gây ức chế hấp thu các chất khác như sắt và kẽm, cũng như tăng nguy cơ sỏi thận

Những loại vitamin ưu tiên bổ sung sau Covid-19

Những vitamin đầu bảng giúp tăng cường hệ miễn dịch như vitamin A, D,C, E, các vi chất khác là Selen, sắt, kẽm, cũng như các chất chống oxy hóa.

BS Đoàn Ngọc Hà khuyến cáo, mỗi loại vitamin đều có tác dụng nhất định đối với sức khỏe và nên bổ sung bằng các loại thực phẩm. Ăn đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm từ 4 nhóm thực phẩm: Gluxit, Protid, Lipid, Vitamin và Muối khoáng. Từ 15 - 20 loại thực phẩm mỗi ngày.

Người dân có thể tiếp cận với vitamin D thông qua một số thực phẩm từ sữa, các loại cá và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Thực phẩm giàu vitamin C: Những loại trái cây, rau củ quả có màu sắc sặc sỡ, các loại quả mọng...

Thực phẩm giàu vitamin A gồm gan động vật, lòng đỏ trứng. Các loại rau và trái cây cũng chứa nhiều vitamin A dưới dạng beta-caroten như: đu đủ, cà rốt, khoai lang, bí ngô, cam, xoài, gấc, bông cải xanh, rau cải bó xôi…

Thực phẩm giàu vitamin E gồm các loại hạt như hạt hướng dương, các sản phẩm từ đậu nành, lúa mì, giá đỗ, rau mầm, cải bó xôi...

Sắt và kẽm giúp duy trì hoạt động bình thường của hệ thống miễn dịch. Các loại thịt gia cầm và các loại hải sản có vỏ như hàu, cua, sò... là nguồn cung cấp kẽm vô cùng phong phú. Bên cạnh đó, gan động vật và thịt nạc cũng rất giàu sắt, cơ thể có thể dễ dàng hấp thu.

Omega 3 là acid béo thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được, có vai trò quan trọng trong chống viêm và cải thiện hệ miễn dịch. Omega 3 có nhiều trong các sản phẩm dầu cá, dầu gan cá, cá mòi, cá hồi, các ba sa, cá bơn, cá trích, cá ngừ, hàu và một số loại hạt.

Sử dụng TPCN cần đúng và an toàn để tăng hiệu quả

Theo BS Đoàn Ngọc Hà nhấn mạnh, không phải ai cũng cần sử dụng các loại thực phẩm chức năng và các loại vitamin tổng hợp, chỉ những người bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng và nếu không thể cải thiện được bằng chế độ dinh dưỡng thì mới cần bổ sung vitamin bằng thực phẩm chức năng.

Mặc dù không phải là thuốc, nhưng thực phẩm bổ sung cũng cần được sử dụng đúng để đảm bảo hiệu quả và an toàn. Người sử dụng cần tuân thủ nguyên tắc: Đúng hoạt chất, đúng đường dùng, đúng liều dùng, đúng thời điểm, đúng đối tượng.

Đặc biệt, luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống và chỉ sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.