Năm 2020, từ đề xuất của Việt Nam, Đại Hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 27/12 hàng năm là ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh. Bộ Y tế đã đưa ra chủ đề "Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh” và sáng nay (27/12) đã tổ chức lễ mit tinh nhằm kêu gọi cộng đồng hưởng ứng chủ đề này.

Theo Bộ Y tế, trên thế giới, dịch bệnh truyền nhiễm vẫn luôn diễn biến phức tạp, khó lường, có xu hướng tăng dần tần suất và xuất hiện nguy cơ lây nhiễm các biến thể mới, các dịch bệnh mới nổi. Các bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi gia tăng đáng kể. Số ca mắc sốt xuất huyết tăng hơn 10 lần trong 10 năm qua với ước tính nửa dân số trên thế giới có nguy cơ ca mắc mỗi năm. Năm 2023, thế giới tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc, tử vong do các bệnh lây truyền từ động vật sang người, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi tại nhiều quốc gia.

Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều cùng với nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao nên nguy cơ đối mặt với sự lây lan của nhiều loại dịch bệnh khác nhau là rất lớn.

Nhằm phòng bệnh từ sớm, từ xa, hạn chế dịch bệnh bùng phát, sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai, Bộ Y tế sẽ triển khai khai các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời tiếp tục chủ động đẩy mạnh tiếp cận an ninh y tế toàn cầu để thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Việt Nam, cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với dịch bệnh.

Phát biểu tại lễ mit tinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, trong công tác phòng, chống dịch bệnh, ngành y tế là lực lượng nòng cốt nhưng cần có sự ủng hộ, phối hợp, hỗ trợ và tham gia tích cực chủ động của các bộ, ban, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, bạn bè quốc tế và cộng đồng xã hội.

Thứ trưởng Bộ Y tế kêu gọi toàn dân và cộng đồng nâng cao ý thức phòng bệnh, tăng cường sức khỏe; thường xuyên, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch. Đề nghị các ngành, các địa phương phối hợp, chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp và huy động toàn xã hội, các tổ chức chính trị, đoàn thể tham gia trong công tác phòng, chống dịch, đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh; xác định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của y tế dự phòng, y tế cơ sở; củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống phòng, chống dịch các tuyến, huy động sự tham gia của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trong phòng, chống dịch.

PGS TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, các dịch bệnh truyền nhiễm sẽ tồn tại, song hành cùng con người và có thể không bao giờ chấm dứt, hết dịch này sẽ có dịch khác. Do đó, chúng ta không nên chủ quan mà cần cảnh giác và tích cực thực hiện các biện pháp phòng bệnh chủ động như tiêm vaccine. Đại dịch COVID-19 và tình trạng thiếu vaccine trong năm 2023 đã làm gián đoạn công tác tiêm chủng. Vì vậy, cần tăng cường hoạt động tiêm chủng để bù đắp lại khoảng trống miễn dịch trong thời gian qua. Bên cạnh đó, mỗi người dân nên thực hiện các biện pháp không đặc hiệu như vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và các biện pháp khác nhằm phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

Thông điệp truyền thông Bộ Y tế xây dựng hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh 2023:

Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh;

Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác;

Chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa, từ cơ sở;

Phòng, chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng;

Thường xuyên rửa tay, vệ sinh cá nhân để phòng, chống dịch bệnh;

Ăn chín, uống sôi, an toàn thực phẩm để phòng, chống dịch bệnh;

Thường xuyên vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nơi ở để ngăn ngừa mầm bệnh phát triển;

Tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả để chủ động phòng, chống dịch bệnh;

Quan hệ tình dục an toàn để phòng, chống bệnh lây truyền qua đường tình dục;

Thực hiện lối sống khoa học, dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức đề kháng;

Không tiếp xúc động vật ốm, chết và không sử dụng thực phẩm không an toàn;

Phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân: giữ ấm cơ thể; thể dục, thể thao; nâng cao thể trạng;

Khi có dấu hiệu mắc bệnh, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, thăm khám kịp thời;

Không tự ý mua, sử dụng kháng sinh để phòng và chữa bệnh;

Thực hiện 2K (Khẩu trang-Khử khuẩn) để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm;

Đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng, tại các địa điểm tập trung đông người.