3.026 calo /người /ngày- con số có chính xác?

Danh sách này do Đại học Oxford (Anh) tổng hợp số liệu của Liên Hợp Quốc về mức tiêu thụ calo của người dân các quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo đó, 173 trong tổng số 184 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát tiêu thụ hơn 2.000 calo mỗi người mỗi ngày.

Con số vừa rồi chắc hẳn khiến các bạn phải giật mình khi Việt Nam của chúng ta đứng ở vị trí thứ 74 trong danh sách các nước “ăn nhiều” nhất. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ như thế nào về con số này?

“Con số này chưa thực sự chính xác vì họ dựa trên số liệu về sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu nông sản, chăn nuôi và lượng thực phẩm dành cho người dân mỗi quốc gia. Nếu với các nước phát triển thì con số này tương đối chuẩn xác còn với nước ta, việc sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ hộ gia đình chiếm phần lớn, cộng với xuất nhập khẩu có thể không chính ngạch nên số liệu lượng thực phẩm dành cho mỗi người sẽ không tính toán cụ thể được. Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng và các đơn vị nghiên cứu về dinh dưỡng thì lượng calo mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ trong những năm gần đây là 2000calo/người/ngày cụ thể, khoảng 2300calo/người/ngày ở nam giới và 1800calo/người/ngày ở nữ giới trưởng thành. Tuy nhiên, chúng ta lại có vấn đề đó là cơ cấu bữa ăn không hợp lý và ít vận động để tiêu hao năng lượng”- PGS-TS-BS Nguyễn Xuân Ninh- Phụ trách Trung tâm khám và tư vấn dinh dưỡng VIAM - Viện Y học ứng dụng VN phân tích.

Cũng theo PGS Nguyễn Xuân Ninh, lượng calo trung bình mỗi người dân nước ta nạp vào vẫn ở mức cho phép, ngoại trừ các đối tượng đặc biệt như vận động viên, những người lao động nặng... Tuy nhiên, cơ cấu bữa ăn không hợp lý của người dân nước ta đặc biệt là giới trẻ lại khiến lượng calo nạp vào cơ thể tăng lên rất nhiều.

Cơ cấu bữa ăn không hợp lý và hệ lụy cho sức khỏe

Lê Anh Thảo, 24 tuổi nhân viên văn phòng làm việc tại Hà Nội vẫn đang sống độc thân. Cuộc sống xa nhà khiến Thảo phải tự lo cho cuộc sống của bản thân từ công việc, kinh tế, nhà cửa cho đến sinh hoạt, ăn uống hằng ngày… Mải việc nhiều lúc khiến Thảo khá dễ tính trong ăn uống, thực đơn thường là các món nhanh gọn. “Các món tối giản và không ít lần mình phải sử dụng thực phẩm ăn liền. Đi siêu thị rất tiện, có thể mua những gói tobuki ăn sẵn, bánh mì, hamberger và tất nhiên là trứng ăn liền”- Thảo cho biết.

Sử dụng các loại nước ngọt, trà sữa đối với các bạn trẻ dường như đã trở thành một thói quen khó cưỡng. Không chỉ những cuộc vui liên hoan, thức uống này có thể được người trẻ sử dụng hằng ngày, trong bữa ăn, sau giờ học hoặc trong những buổi đi chơi cùng bạn bè như trường hợp của Trần Lê Thu- 16 tuổi sống tại quận Hai Bà Trưng – Hà Nội. Cô gái này có thể uống trà sữa cả tuần không chán, các bạn bè của Thu cũng rất thích trà sữa, trong đó không hiếm các bạn nam. Có thể nói, ăn uống với các bạn trẻ tuy đơn giản nhưng thường phải là những món “khoái khẩu” và hợp sở thích.

Nếu hay sử dụng thực phẩm ăn liền, trà sữa hay nước ngọt thì hẳn nhiều người sẽ nghĩ chúng ta không ăn uống gì nhiều. Hay có khi những buổi tiệc tùng, liên hoan hay gặp gỡ bạn bè, chúng ta lại nạp rất nhiều đồ ăn một lúc với những món nhiều đạm. Vấn đề mà các chuyên gia dinh dưỡng lo lắng đó là việc ăn uống của chúng ta đang mất cân đối, dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe.

“Hiện nay, cơ cấu bữa ăn thay đổi, cụ thể,rất nhiều thanh niên thích ăn khoai tây chiên, gạo xay xát trắng, bánh mì trắng, những thực phẩm này không còn nhiều chất xơ và chất khoáng như ngày xưa, vì thế khiến cơ thể hấp thu rất nhiều, ngoài ra còn có vô số thức ăn chế biến sẵn… Khi chất đường, chất béo hấp thu nhanh vào trong cơ thể thì nó làm cho đường máu, mỡ máu tăng nhanh và tích lũy lại dưới dạng mỡ dưới da và làm cơ sở gây ra những bệnh khác như cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường” – PGS-TS-BS Nguyễn Xuân Ninh nhấn mạnh.

Thêm vào đó, hoạt động thể lực của người dân lại rất ít, cơ bắp, xương khớp lại không được rèn luyện chắc chắn, tiêu hao năng lượng lại ít đi. Những điều này kết hợp lại khiến người dân dễ bị thừa cân béo phì, dễ mắc các bệnh mãn tính kèm theo.

Cân đối cơ cấu bữa ăn- năng vận động để tiêu hao năng lượng

Chính vì vậy, theo chuyên gia dinh dưỡng, người dân cần thực hành những bữa ăn cân đối, bữa ăn chính thường phải có những nhóm thực phẩm cơ bản, đầu tiên là nhóm ngũ cốc, tùy theo người làm việc nhiều hay ít mà ăn lượng phù hợp. Thứ hai đến nhóm protein thịt, cá, đậu… Nhóm tiếp theo là rau, ăn được càng nhiều càng tốt.

“Phải bố trí được số bữa ăn trong ngày một cách hợp lý và cơ cấu khẩu phần thực phẩm trong mỗi bữa ăn hằng ngày cũng phải phù hợp, phải loại trừ được một số thực phẩm nguy cơ và phải biết lựa chọn một cách phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình”- BS Ninh chia sẻ.

Với các bữa ăn, người Việt Nam thường hay có thói quen ăn 3 bữa trong ngày đầy đủ các nhóm thực phẩm nhưng về mặt khoa học thì 3 bữa là chưa đủ. Do đó, người dân nên bổ sung 2-3 bữa phụ.

“Bữa phụ có thể ăn vào khoảng 9-10h sáng và khoảng 15h chiều hoặc sau khi đi tập thể dục về nếu cảm thấy đói có thể ăn bữa phụ. Bữa phụ có thể là trái cây, sữa, sữa chua. Tôi xin nhấn mạnh là đối tượng nào cũng cần phải vận động, tập luyện thể thao. Vận động có 2 cấp độ, vận động nhẹ và vận động nặng. Vận động nhẹ là leo cầu thang, đi bộ, làm việc nhà, không nên ngồi máy tính hàng giờ liền mà phải đi lại sau mỗi giờ đồng hồ ngồi máy tính, đây là những kiểu vận động nhẹ nhưng có còn hơn không, để chúng ta đỡ bị thoái hóa xương khớp. Thế còn họat động thể dục thể thao tức là vận động mạnh 2-3 lần/tuần, chạy, chống đẩy, nhảy dây, đi xe đạp, đi bơi khoảng 60 phút, lúc đó mới làm cho xương khớp, cơ bắp vững chắc, khỏe mạnh” – BS Nguyễn Xuân Ninh cho biết.