Được chẩn đoán mắc vô sinh nhưng phải đến 10 năm sau khi kết hôn, vợ chồng chị T.H ở Hà Nội mới quyết định thực hiện hỗ trợ sinh sản. Sở dĩ thời gian chờ đợi lâu đến vậy là bởi vợ chồng chị phải lo chuẩn bị về kinh tế để chi trả cho quá trình điều trị. Do không có tử cung nên chị T.H được bác sĩ tư vấn nhờ người thân mang thai hộ. Ở lần đầu tiên, chi phí làm thụ tinh ống nghiệm và nuôi cấy phôi đã tốn khoảng 70 triệu đồng. Tuy nhiên may mắn chưa mỉm cười với vợ chồng chị nên phải làm tiếp lần 2. Dẫu vất vả và tốn kém, song chị T.H cũng không quản ngại. Bởi nỗi khát khao có con là động lực giúp cặp vợ chồng chị sẵn sàng vượt qua tất cả.

Cũng phải trải qua gần chục năm chữa trị vô sinh, hiếm muộn, chị Hồng Vĩnh ở tỉnh Phú Thọ mới có được niềm hạnh phúc làm mẹ. Mang thai lần đầu, chị bị chửa ngoài tử cung và phải phẫu thuật cắt bỏ vòi trứng phải. Vài tháng sau, chị lại phải nhập viện mổ cấp cứu vì bị u nang buồng trứng. Năm 2014, vợ chồng chị quyết định thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, cả hai chu kỳ đều thất bại. Nản lòng, hai vợ chồng chị đành tạm dừng hành trình tìm con vì hết tiền. Năm 2017, chị Vĩnh mang thai tự nhiên nhưng thai lại nằm ngoài tử cung và chị phải phẫu thuật cắt nốt vòi trứng bên trái. Trong nỗ lực cuối cùng, năm 2020 vợ chồng chị tiếp tục thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và cuối cùng hạnh phúc đã đến với gia đình chị. Gần 10 năm chạy chữa vô sinh hiếm muộn, kinh tế gia đình kiệt quệ, chị Vĩnh phải vay mượn khắp nơi.

Mặc dù chi phí cho các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ở nước ta rẻ hơn so với thế giới nhưng các chuyên gia cho rằng mức giá này vẫn quá sức với nhiều cặp vợ chồng có thu nhập thấp. Đặc biệt, trong quá trình điều trị vô sinh, các cặp vợ chồng đều phải tự chi trả bằng tiền túi mà chưa được bảo hiểm y tế hỗ trợ chi trả.

PGS.TS Hồ Sỹ Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản Quốc gia, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết, với các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, nếu may mắn thì chỉ cần can thiệp bằng những kỹ thuật đơn giản như bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) là có thể mang thai thì chi phí chỉ khoảng từ 5-7 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp phải thực hiện kỹ thuật phức tạp hơn là thụ tinh ống nghiệm (IVF) thì ước tính số tiền cần chi trả khoảng 50 đến 70 triệu đồng. Chưa kể những trường hợp không thành công ở chu kỳ đầu tiên, phải chuyển phôi nhiều lần hoặc can thiệp, điều trị điều trị các vấn đề khác liên quan đến khả năng sinh sản thì chi phí rất lớn.

“Trong quá trình điều trị, tôi nhận thấy không phải là tất cả nhưng cũng có một bộ phận nhỏ, các cặp vợ chồng rất khó khăn về kinh tế, không đủ khả năng chi trả tất cả các chi phí khám, điều trị vô sinh hiếm muộn. Đặc biệt những trường hợp phải điều trị dài ngày nên vượt quá khả năng chi trả. Cho nên, đôi khi có những cặp vợ chồng phải bỏ cuộc và điều đó ảnh hưởng đến hạnh phúc của gia đình. Hoặc cũng có những cặp vợ chồng, phải đi cầm cố tài sản, rồi vay mượn để cố gắng sinh được đứa con. Nhưng khi sinh con rồi thì lại không có đủ kinh tế để nuôi dưỡng bé nữa. Đó là điều mà những bác sĩ điều trị vô sinh, hiếm muộn rất trăn trở.” – PGS.TS Hồ Sỹ Hùng chia sẻ và cho biết đây là lý do mà ông đã đề xuất bảo hiểm y tế hỗ trợ thanh toán chi phí điều trị vô sinh, hiếm muộn.

PGS.TS Hồ Sỹ Hùng cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện chính sách bảo hiểm y tế hỗ trợ chi phí điều trị vô sinh, hiếm muộn. Sự hỗ trợ này tùy thuộc vào đặc điểm, tình hình dân số của mỗi quốc gia. “Chẳng hạn, Nhật Bản - đất nước đang đối diện với mức sinh thấp và già hóa dân số một cách đáng lo ngại thì có chính sách miễn phí xét nghiệm dự báo khả năng sinh sản của phụ nữ, đặc biệt là đối với những phụ nữ trên 35 tuổi để họ biết được nguy cơ giảm khả năng sinh con. Từ đó, người phụ nữ sẽ có kế hoạch sinh con sớn hơn hoặc lưu trữ trứng để dự phòng. Hay tại Pháp, để khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con thì có chính sách hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ ở những gia đình đông con.” – BS Hồ Sỹ Hùng nêu ví dụ.

Đối với nước ta, tỉ lệ vô sinh, hiếm muộn chiếm khoảng 7,7% dân số. Vô sinh thứ phát chiếm khoảng 50% trong số các cặp vợ chồng vô sinh. Nước ta cũng đang đối diện với nguy cơ già hóa dân số và mức sinh giảm mạnh tại một số vùng miền. Việc quyết định sinh đủ hai con tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố nhưng nếu bảo hiểm y tế có chính sách hỗ trợ một phần chi phí điều trị vô sinh cũng sẽ phần nào khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con và qua đó góp phần giữ được mức sinh thay thế.

Theo PGS.TS BS Hồ Sỹ Hùng, vô sinh hiếm muộn chỉ là một khía cạnh nhỏ trong rất nhiều vấn đề sức khỏe cộng đồng nói chung. Do đó, không thể đòi hỏi quỹ bảo hiểm y tế chi trả toàn bộ các chi phí điều trị vô sinh, hiếm muộn. Tuy nhiên, ông mong muốn bảo hiểm y tế hỗ trợ một phần và phân chia thành các nhóm đối tượng khác nhau để chi trả.

“Việc tính toán bảo hiểm y tế sẽ chi trả cho những kỹ thuật nào, định mức là bao nhiêu, những cặp vợ chồng nào được hỗ trợ , điều kiện ra sao...cần có sự bàn bạc, thảo luận giữa các chuyên gia về chính sách và chuyên gia y tế để đảm bảo cân đối, hài hòa, vừa đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế, vừa tránh gây bội chi, vỡ quỹ. Đồng thời, đây là vấn đề lâu dài và cần có sự phối hợp liên ngành mới thực hiện được.” – BS Hồ Sỹ Hùng đề xuất.