Năm 2014, Bộ Y tế là đơn vị đầu tiên triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, về đích trước thời hạn và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, danh mục hàng hoá… tạo hành lang pháp lý cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia Cơ chế một cửa quốc gia.

Trong đại dịch Covid-19, ngành y tế cũng đẩy mạnh chuyển đổi số trong phòng ngừa và kiểm soát dịch, góp phần ngăn chặn, giảm tốc độ lây lan dịch tại Việt Nam.

Đạt được những kết quả đó là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ với việc đưa ra những định hướng, nhiệm vụ và hỗ trợ cho Bộ Y tế triển khai thành công. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính đã phối hợp, kết nối các thủ tục hành chính liên quan cơ chế một cửa Asean.

Bên cạnh đó là sự quyết tâm và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Y tế, sự đồng lòng phối hợp thực hiện của các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Bộ và tất cả các đơn vị trong toàn ngành y tế.

Nhân ngày chuyển đổi số Việt Nam 10/10, PV VOV2 đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Trường Nam – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Y tế về kế hoạch thực hiện chuyển đổi số của ngành y:

PV: Thưa ông, cho đến thời điểm này, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh đang được triển khai như thế nào?

Ông Nguyễn Trường Nam: Ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh được các chuyên gia đánh giá là một trong những lĩnh vực khó khăn và phức tạp nhất so với các lĩnh vực khác. Chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh liên quan đến sức khỏe, tính mạng người dân, nếu triển khai không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu cũng như quy trình, sẽ tạo ra những hiệu ứng, kết quả ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Ông Nguyễn Trường Nam – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Y tế: "Chuyển đổi số trong y tế là một trong những lĩnh vực khó khăn và phức tạp nhất so với các lĩnh vực khác..."

Chúng tôi đang có kế hoạch thúc đẩy việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số tại các cơ sở khám, chữa bệnh với việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các thông tư hướng dẫn các đơn vị triển khai ứng dụng CNTT, cũng như chuyển đổi số bệnh viện hiệu quả.

Ví dụ như Thông tư 54 về xây dựng bộ tiêu chí ứng dụng bệnh viện, giúp các bệnh viện ứng dụng hiệu quả, hoặc Thông tư 46 hướng dẫn quy định về bệnh án điện tử để các đơn vị triển khai đúng định hướng của Bộ Y tế; hay Thông tư 48 về trích chuyển dữ liệu để giúp cho công tác thanh toán, giám định bảo hiểm y tế thuận lợi và dễ dàng, chính xác, minh bạch; các Thông tư về y tế từ xa và Thông tư về hoạt động y tế trên môi trường mạng..v.v…

Đấy là những hành lang pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng CNTT tại các cơ sở khám, chữa bệnh cho hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

PV: Ông có thể cho biết cụ thể hơn về kết quả chuyển đổi số trong mục tiêu thực hiện bệnh án điện tử?

Ông Nguyễn Trường Nam: Chúng tôi ghi nhận đã có 36 bệnh viện trên toàn quốc triển khai thành công bệnh án điện tử, thay thế bệnh án giấy. Tất nhiên con số 36 đơn vị là không lớn, nhưng như tôi đã nhấn mạnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh là lĩnh vực rất phức tạp, rất khó. Từ nghiệp vụ, đến quy trình khám chữa bệnh vì liên quan đến tính mạng con người nên phải làm hết sức chặt chẽ. Các tiêu chuẩn hệ thống trong đó cũng phải đảm bảo các tiêu chí về nghiệp vụ cũng như về an toàn thông tin và có đủ hành lang pháp lý. Còn một khó khăn nữa, để triển khai các bệnh viện phải đầu tư về mặt hạ tầng cơ sở. Để giải quyết việc này, chúng tôi đang có sự rà soát, đánh giá, hướng dẫn, thậm chí sửa đổi một số nội dung trong Thông tư 46 hướng dẫn quy định về bệnh án điện tử để giúp các bệnh viện có thể dễ dàng hơn trong triển khai.

"Về mục tiêu đến 2025 các bệnh viện có thể chuyển sang bệnh án điện tử mà không cần bệnh án giấy thì đến nay, về mặt kỹ thuật nghiệp vụ cơ bản, các bệnh viện đã sẵn sàng" - Ông Nguyễn Trường Nam-Phó Cục Trưởng Cục CNTT-Bộ Y tế.

PV: Vậy đến 2025 tất cả các bệnh viện có thể chuyển sang bệnh án điện tử như mục tiêu đặt ra không, thưa ông?

Ông Nguyễn Trường Nam: Về mặt kỹ thuật, về mặt nghiệp vụ thì đến nay các bệnh viện có thể hoàn toàn sẵn sàng cho việc đó. Tuy nhiên còn liên quan đến câu chuyện về nguồn lực đầu tư bởi vì, hầu hết các bệnh viện đều được quản lý ở cấp địa phương. Khi đẩy mạnh thông tin cũng như chuyển đổi số đòi hỏi nguồn lực, nếu như các địa phương quan tâm tạo điều kiện bố trí nguồn lực kinh phí để các bênh viện có thể triển triển khai thì tôi tin đến 2025, toàn bộ các bệnh viện có thể triển khai được bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy.

PV: Với những kết quả đạt được, Cục CNTT có kế hoạch như thế nào để tiếp tục thúc đẩy hiệu quả hơn nữa công tác chuyển đổi số của ngành y tế?

Ông Nguyễn Trường Nam: Với những kết quả đạt được, chúng tôi có kế hoạch tiếp tục thúc đẩy hiệu quả hơn nữa công tác chuyển đổi số của ngành y tế, với việc tham mưu cho lãnh đạo Bộ ban hành chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó đưa ra nhiều kế hoạch, định hướng cần chuyển đổi số ngành y tế để các đơn vị triển khai hiệu quả.

Thời gian tới đây chúng tôi sẽ ban hành kế hoạch thúc đẩy các nền tảng số y tế quốc gia. Đây là 4 nền tảng số nằm trong 35 nền tảng số quốc gia mà Ủy ban Quốc gia số đã yêu cầu các bộ, ngành thực hiện phục vụ cho chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và chính phủ số. Đó là nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử, nền tảng tiêm chủng, nền tảng tư vấn khám bệnh từ xa và nền tảng trạm y tế.

"Mục tiêu là đảm bảo đến 2025 mỗi người dân đều có một hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý, theo dõi trong toàn bộ cuộc đời"- Ông Nguyễn Trường Nam-Phó Cục Trưởng Cục CNTT-Bộ Y tế.

Nền tảng hồ sơ sức khỏe tử: Mục tiêu là đảm bảo đến 2025 mỗi người dân đều có một hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý, theo dõi trong toàn bộ cuộc đời. Người dân đi khám bệnh không phải mang giấy tờ gì, vì tất cả đều được số hóa và lưu trữ dưới hình thức điện tử. Hồ sơ sức khỏe điện tử còn giúp cán bộ y tế có được thông tin về quá trình lịch sử khám, chữa bệnh của người bệnh, để việc khám, chữa bệnh hiệu quả, chất lượng hơn.

Nền tảng tiêm chủng: Giúp quản lý toàn diện về công tác tiêm chủng trên toàn quốc, trong đó có tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng về phòng chống dịch, nhất là Covid-19.

Nền tảng tư vấn khám, chữa bệnh từ xa: Giúp cho việc kết nối dễ dàng hơn, đồng bộ hơn giữa các cơ sở y tế trong công tác triển khai Telehealth, để bà con vùng sâu, vùng xa tiếp cận với các bác sĩ giỏi; các cán bộ y tế tuyến dưới kết nối với các bệnh viện, và các cơ sở y tế tuyến trên để nâng cao trình độ chuyên môn.

Nền tảng trạm y tế: Trạm y tế là cơ sở y tế tuyến đầu chăm sóc sức khỏe người dân tại địa phương nhưng có tình trạng cán bộ ít (mỗi trạm chỉ có 5-7 cán bộ y tế), trình độ chuyên môn còn hạn chế so với các bệnh viện, nhưng số lượng phần mềm triển khai lại nhiều (có trạm gần 10 phần mềm). Mặc dù cùng quản lý thông tin sức khỏe người dân trên địa bàn, nhưng các phần mềm lại không liên thông dữ liệu với nhau nên bất cập, thậm chí thông tin về người dân bị sai lệch.

Nền tảng trạm y tế sẽ giúp thống nhất được mỗi một trạm y tế chỉ có một phần mềm quản lý toàn diện người dân theo từng nhóm lĩnh vực mà Bộ Y đã ban hành, từ đó giảm chỉ còn một phần mềm quản lý được toàn diện công tác khám bệnh, chữa bệnh cũng như sức khỏe người dân.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang xây dựng kế hoạch triển khai thiết kế bộ mã định danh về thiết bị y tế và dược phẩm và xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý danh mục các mã định danh này. Bởi hiện nay việc quản lý các thiết bị y tế và dược phẩm vẫn chưa thể truy xuất nguồn gốc được, dẫn đến chưa quản lý toàn diện, sâu sát, minh bạch được về thiết bị y tế cũng như dược phẩm.

Nhưng khi thống nhất được mã định danh theo hướng quốc tế, sẽ giúp chúng ta quản lý được các thiết bị y tế, dược phẩm một cách sâu sát và minh bạch, tiến tới truy xuất nguồn gốc, sau khi nhập về Việt Nam thì sẽ quản lý được thiết bị y tế, thuốc đi đâu và đang ở đâu.

Với doanh nghiệp Việt Nam, khi sản xuất thuốc xuất khẩu ra thế giới, mã định danh cũng giúp thế giới định danh, truy xuất được nguồn gốc các thuốc ở Việt Nam (theo kế hoạch trong năm nay sẽ hoàn thành thiết kế bộ mã định danh thiết bị y tế và dược phẩm, sang năm sẽ đưa vào triển khai cơ sở dữ liệu quản lý mã định danh).

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!