Bệnh nhân C.V.Đ (70 tuổi ở Tiền Giang) được phẫu thuật lấy thoát vị đĩa đệm L4L5 cách đây 10 năm. Tuy nhiên, sau phẫu thuật ông Đ vẫn đau âm ỉ vùng cột sống thắt lưng nhưng trong mức có thể chịu được.

Cách đây gần 4 năm, bệnh nhân bị gãy cột sống thắt lưng L1L2, được phẫu thuật bắt vít cột sống tại bệnh viện địa phương. Sau đó, ông có thể vận động tứ chi bình thường nhưng không thể ngồi và đứng vì quá đau lưng. Ông Đ. đã điều trị ở nhiều bệnh viện nhưng cơn đau vẫn không cải thiện.

Đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, người bệnh được chỉ định sử dụng thuốc giảm đau và đốt sóng cao tần nhưng tình trạng chỉ cải thiện hơn 1 tháng. Cơn đau tái phát ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Các bác sĩ quyết định thực hiện phẫu thuật đặt điện cực kích thích tủy nhằm kiểm soát đau cho người bệnh. Sau phẫu thuật, tình trạng sức khỏe người bệnh ổn, tiếp tục được theo dõi điều chỉnh máy đặt điện cực. Hiện người bệnh được tập phục hồi chức năng sau mổ, có thể vận động nhẹ. Dự kiến người bệnh giảm được 50% tình trạng đau mà không cần các phương pháp giảm đau khác.

Theo TS.BS Lê Viết Thắng (Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), đây là kỹ thuật tiên tiến trong điều trị đau ở những người bệnh đã phẫu thuật cột sống hoặc di chứng viêm tủy, nhồi máu tủy nhưng không kiểm soát đau bằng thuốc được.

Với phẫu thuật này, bác sĩ đưa một điện cực vào ngoài màng cứng tủy sống, sau đó nối với một máy phát xung đặt dưới da. Xung điện được phát ra sẽ kích thích sừng sau tủy sống, kiểm soát các cơn đau ở cột sống. Việc triển khai phẫu thuật này giúp người bệnh đau mạn tính được điều trị theo phác đồ tiên tiến nhất, giảm 50-70% tình trạng đau, có thể vận động, sinh hoạt bình thường và ngưng được các phương pháp điều trị đau khác.

TS.BS Lê Viết Thắng cho biết, đau lưng mạn tính có thể gặp ở người bệnh sau phẫu thuật cột sống (bắt vít, lấy nhân đệm, lấy u…), nhưng cơn đau vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến người bệnh. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 10-30% người bệnh sau phẫu thuật cột sống mắc hội chứng này.