Nguyên nhân khiến bệnh viêm loét dạy dày – hành tá tràng tăng ở độ tuổi trẻ

Viêm loét dạ dày - hành tá tràng xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa các yếu tố phá hủy niêm mạc dạ dày (acid dạ dày, vi khuẩn HP, rượu bia, thuốc lá, stress) với các yếu tố bảo vệ niêm mạc (chất nhầy của niêm mạc, sự liên kết giữa các tế bào dạ dày…)

Do vậy, nguyên nhân gây viêm loét dạ dày – hành tá tràng rất đa dạng, thường gặp nhất 3 nhóm sau:

Nguyên nhân thứ nhất: Nhiễm vi khuẩn HP. Vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân chính gây nên các tổn thương nghiêm trọng ở dạ dày và tá tràng.

Nguyên nhân thứ 2: Lạm dụng các thuốc giảm đau kéo dài, các thuốc này hiện được mua dễ dàng ở các hiệu thuốc.

Nguyên nhân thứ 3: Stress. Chế độ ăn uống không hợp lý: Bệnh nhân lạm dụng quá nhiều chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cafe; ăn đồ quá cay nóng

Chế độ sinh hoạt không điều độ: Ăn uống không điều độ bỏ bữa, ngủ không đủ giấc, thức quá khuya,…

Theo BS Nguyễn Trung Nghĩa - Khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, xã hội ngày càng phát triển, áp lực căng thẳng trong công việc, học tập ngày càng tăng. Khi tình trạng stress xảy ra thường xuyên, dịch vị dạ dày sẽ tăng tiết acid HCl gây tổn thương niêm mạc dạ dày.

Chẩn đoán, điều trị bệnh viêm loét dạ dày – hành tá tràng

Hiện nay, nội soi dạ dày tá tràng là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng. Các bác sĩ sử dụng ống soi đưa qua miệng vào dạ dày để quan sát tình trạng dạ dày. Vì vậy đối với những người soi lần đầu thì tương đối khó chịu. Nhưng theo BS Nguyễn Trung Nghĩa, đây là phương pháp an toàn, không có biến chứng, không ảnh hưởng đến sức khỏe nếu được thực hiện ở các cơ sở y tế uy tín có các bác sỹ chuyên khoa về nội soi. Với những người đã từng bị viêm dạ dày – hành tá tràng thì nên nội soi 2-3 năm/lần.

Phác đồ điều trị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng phù hợp với từng giai đoạn bệnh. BS Nguyễn Trung Nghĩa khuyên người bệnh sau khi điều trị hết 1 đợt thì nên đi khám lại để các bác sĩ tư vấn, đánh giá lại tình trạng bệnh và đưa ra hướng điều trị tiếp theo.

Bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc vì đơn thuốc chưa chắc đúng với tình trạng bệnh hiện tại của bạn, có thể uống sẽ không khỏi còn dẫn đến tình trạng kháng thuốc, gây khó khăn cho những lần điều trị sau.

Người bệnh bị biến chứng do chủ quan

BS Nguyễn Trung Nghĩa còn cho biết, khó khăn nhất trong điều trị bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng hiện nay là người bệnh thường đến muộn, khi tình trạng bệnh nặng hoặc có biến chứng mới đến bệnh viện thăm khám thì việc điều trị sẽ kéo dài và khó khăn hơn.

Nhiều trường hợp người bệnh bị suy nhược cơ thể, nôn ra máu, xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày tá tràng, gây nhiễm trùng ổ bụng, nhiễm khuẩn toàn thân, ung thư. Đây là những biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong.

“Tại khoa phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa Bệnh viện hữu nghị Việt Đức chúng tôi đã gặp và điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân bị loét dạ dày tá tràng có hoặc không có biến chứng. Nhưng quả thật có nhiều trường hợp rất nặng mà dù có cố gắng bằng mọi công sức của y bác sỹ cũng không thể cứu chữa được cho bệnh nhân. Tôi còn nhớ, có trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi vào viện vì xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày rất nặng, chảy máu ổ ạt. khi nhập viện do tình trạng mất máu quá nhiều dù được phẫu thuật cấp cứu nhưng người bệnh cũng không qua khỏi. Hay những trường hợp loét dạ dày biến chứng ung thư tiến triển đến giai đoạn cuối di căn các tạng, mọi cố gắng điều trị chỉ là giảm nhẹ, giảm đau cho bệnh nhân” – BS Nguyễn Trung Nghĩa chia sẻ.

Viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh lý phổ biến trong xã hội hiện đại và hối hả ngày nay, nhưng là bệnh lý hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng cách ăn uống và sinh hoạt hợp lý, lành mạnh, tránh rượu bia thuốc lá, giữ tinh thần lạc quan trong cuộc sống. Và khi có triệu chứng như ợ hơi, ợ chua, đầy hơi, khó tiêu… nên đến cơ sở y tế khám và điều trị sớm.