Cơ thể vốn sẵn bệnh nền cộng thêm với sự tấn công của Covid-19 nên hầu hết người bệnh đều cảm thấy lo lắng, như trường hợp của anh Phạm Tân-50 tuổi, sống tại quận Cầu Giấy-Hà Nội. Khi bị Covid-19, chỉ số đường huyết và huyết áp của anh Tân giảm thấp một cách đột ngột, điều chưa từng xảy ra trong 10 năm sống chung với căn bệnh đái tháo đường. “Trong khi bị Covid, tôi cố gắng bổ sung thêm chất đạm, vì đường huyết giảm nên tôi đã lựa chọn giải pháp tăng lượng cơm từ 1 bát lên 2 bát mỗi bữa. Thế nhưng, sau khi khỏi Covid-19, chỉ số đường huyết lại tăng cao, do vậy, tôi phải giảm đạm xuống nhưng cũng không kiêng quá, lượng rau xanh giữ nguyên, còn lại tinh bột ăn rất ít”- anh Tân chia sẻ.
Vậy để thúc đẩy quá trình hồi phục sức khỏe một cách nhanh chóng cũng như phòng tránh những di chứng “hậu Covid-19” có thể xảy ra đối với những người có bệnh lý nền, đặc biệt là người bệnh đái tháo đường chúng ta nên làm thế nào?
PGS-TS-BS Nguyễn Xuân Ninh- Trưởng phòng khám tư vấn dinh dưỡng VIAM - Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, những người mắc bệnh lý nền khi mắc Covid-19 thường có những tổn thương nặng nề tới sức khỏe, do vậy, sau khi khỏi Covid-19, người bệnh nên làm các xét nghiệm cần thiết để xác định tình trạng sức khỏe từ đó mới có thể thiết kế một chế độ ăn uống hợp lý. Nếu thực hành dinh dưỡng đúng cách, điều này sẽ góp phần xóa tan nỗi lo tăng dưỡng chất hồi phục sau Covid-19 có thể ảnh hưởng đến bệnh lý vốn có của người bệnh.
Những người mắc bệnh nền như tiểu đường thường có tâm lý kiêng khem. Sau mắc Covid cũng không dám bổ sung các đồ ăn chứa nhiều chất đạm. Quan niệm này theo BS Nguyễn Xuân Ninh hoàn toàn không đúng. "Thông thường, người bệnh đái tháo đường phải thực hiện chế độ ăn kiêng phù hợp. Tuy nhiên, trên thực tế, đã có một số bệnh nhân đến khám chỗ chúng tôi lại bị thiếu chất do kiêng khem quá mức, tình trạng này khiến cho người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi và làm cho khả năng miễn dịch bị suy giảm".
Khi bị mắc Covid-19, người bệnh ăn uống thiếu chất thường có triệu chứng khá nặng và lâu khỏi, đặc biệt quá trình hồi phục diễn ra chậm, nhiều người âm tính với SARS-CoV-2 đã 3 tháng nhưng sức khỏe vẫn chưa thể trở lại bình thường như trước. “Kiêng khem ở đây chỉ là ăn chất bột đường vừa phải thôi, còn chất đạm, chất béo vẫn phải ăn đủ. Thậm chí phải ăn nhiều hơn một chút để bù lại lượng chất bột đường chúng ta giảm đi. Các chất đạm tốt như chúng tôi thường khuyến nghị người bệnh nên ăn như trứng, sữa, cá, thịt gà, thịt bò... để cơ thể sinh kháng thể, giúp duy trì cơ bắp, tránh bị teo nhẽo và cơ thể suy yếu”- BS Nguyễn Xuân Ninh chia sẻ.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, tỷ lệ năng lượng do chất béo cung cấp nên chiếm khoảng 20-30% tổng năng lượng suất ăn cho người mắc bệnh tiểu đường. Vậy trong thời gian hồi phục sau mắc Covid-19, chúng ta nên lựa chọn chất béo như thế nào? Theo BS Nguyễn Xuân Ninh, “chất béo chúng ta hiểu ở đây là dầu, mỡ, đối với người tiểu đường thì phải ăn đủ, thậm chí cần nhiều hơn một chút để bù cho lượng bột đường chúng ta phải giảm trong chế độ ăn”. Theo khuyến nghị, với người trưởng thành nặng 50-60kg chúng ta có thể ăn 50-60ml/ gr dầu hoặc mỡ. “Có thể ăn thịt nạc kèm một chút mỡ, ưu tiên ăn dầu thực vật. Tuy nhiên nên hạn chế đồ chiên, rán vì có những chất gây hại cho cơ thể. Ở những thể phức tạp hơn như bệnh nhân tiểu đường có béo phì đang muốn giảm cân thì cần phải đi khám dinh dưỡng để các bác sĩ tư vấn chế độ ăn thích hợp”, BS Ninh khuyến cáo.
Thông thường, trái cây sẽ được ưu tiên để bổ sung trong quá trình hồi phục sức khỏe sau khi khỏi Covid-19. “Trái cây tươi nhiều màu sắc được khuyến nghị cho tất cả mọi người, kể cả người bệnh tiểu đường, mỗi ngày có thể ăn từ 2-3 đơn vị, mỗi đơn vị to bằng nắm tay (ví dụ như 1 quả cam hoặc 1 quả táo, 1 quả ổi hay hai quả chuối tây). Tuy nhiên, với những bệnh nhân đái tháo đường, các chuyên gia khuyến cáo không nên ăn loại trái cây quá ngọt như xoài, hồng xiêm, mít, sầu riêng... mà nên chọn các loại quả ít ngọt chứa nhiều chất xơ. Nên ăn trái cây vào các bữa phụ”- BS Ninh cho biết.
Nhiều người sau khi khỏi Covid-19 hiện vẫn phải đối mặt với nhiều nguy cơ tái nhiễm, vì thế, để nâng cao sức đề kháng, người bệnh cần thực hiện ăn uống, nghỉ ngơi, vận động một cách khoa học. Đặc biệt với những người có bệnh nền, cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa và bác sĩ dinh dưỡng để có được lời khuyên tốt nhất.