Một nửa sự thật không phải là sự thật

“AstraZeneca thừa nhận vắc xin COVID-19 của hãng có thể gây cục máu đông” là thông tin chính thức đưa ra trong một vụ kiện của Công ty này với một người bị tổn thương chảy máu não.

Tuy nhiên, phía AstraZeneca cũng khẳng định: trường hợp gây ra huyết khối và hội chứng giảm tiểu cầu là rất hiếm. Và nó cũng có thể xảy ra khi không có vaccine AstraZeneca. Muốn được nguyên nhân chính xác thì cần có bằng chứng chuyên môn.

Thế nhưng bằng cách chỉ nói một nửa sự thật đã khiến nhiều người hoang mang thậm chí là có phản ứng phủ nhận, quay lưng với vaccine, một hiện tượng đang nhen nhóm ở một bộ phận người dân.

Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV2, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng (Đại học Y dược TP.HCM) cho rằng: những thông tin lan truyền hiện nay có phần vội vã và không đúng.

Ông khẳng định, những công bố của AstraZeneca là không mới, nó chỉ mới trong khuôn khổ của một vụ kiện. Bởi trước đó, khi bắt đầu tiêm vaccine phòng Covid-19 AstraZeneca, biến chứng cục máu đông và giảm tiểu cầu đã được nói đến và được giới chuyên môn cân nhắc bàn thảo.

Nhưng vì tỷ lệ biến chứng này rất thấp, chỉ từ 2-7 phần triệu nên không phải là lý do để ngừng tiêm vaccine AstraZeneca.

Cùng quan điểm này, bác sỹ Trương Hoàng Hưng nhấn mạnh: tỷ lệ huyết khối sau tiêm vaccine phòng Covid-19 AstraZeneca hiếm như “trúng số độc đắc”, hiếm còn hơn tỷ lệ sốc phản vệ sau khi tiêm bất kỳ loại thuốc nào khác.

Có hay không việc lợi dụng “một nửa sự thật” này?

Trong giai đoạn nhạy cảm về thông tin, chỉ cần xuất hiện chỉ dẫn về cách phòng ngừa, phát hiện cục máu đông nào đó thì tất yếu sẽ thu hút sự chú ý của cộng đồng và làm theo. Bất kể điều đó là đúng hay sai, được kiểm chứng hay chưa.

Cụ thể, trên trang cá nhân một bác sỹ công tác tại Trung tâm xét nghiệm Medic Hòa Hảo (TP.HCM) đã viết:

“Hãy đi xét nghiệm D-Dimer để xem có bị hình thành cục máu đông hay không. Nếu có thì uống thuốc tan cục máu. Vậy thôi.

Không phải chỉ người tiêm vaccine mà những người đã từng nhiễm Covid đều có khả năng bị cục máu đông.

Vấn đề đông máu do tiêm vaccine của hãng AstraZeneca đã được báo động từ những ngày đầu có vaccine, do đó người ta đã chuyển sang dùng các vaccine khác”

Bác sỹ này cũng không quên ghi chú địa chỉ khám, thời gian khám cho những người sẵn sàng bỏ thời gian, tiền của vì lo sợ cục máu đông.

Với 128 nghìn người theo dõi trang cá nhân, vì thế, ngay lập tức hàng trăm người đã đổ xô nhờ tư vấn và muốn đăng ký xét nghiệm sàng lọc.

Bác sỹ cũng không ngần ngại tư vấn thêm: đây là xét nghiệm nên thực hiện hàng năm và nếu chỉ số cho thấy tình trạng tăng đông thì cứ 3 tháng xét nghiệm một lần.

Tuy nhiên, ngay sau đó, nhiều nhà chuyên môn đồng loạt lên tiếng phản hồi mạnh mẽ và có những phân tích chuyên sâu.

Bác sỹ Trương Hoàng Hưng nhận định: bản thân bệnh Covid-19 cũng làm tăng đông máu và gây nguy cơ cục máu đông. Hay như ngồi một chỗ, nằm lâu một chỗ, mắc bệnh suy tĩnh mạnh, bệnh tim cũng có thể là nguyên nhân gây cục máu đông.

"Cậu ruột tôi ngã xe, sưng cái chân to đùng nằm một chỗ có mấy ngày mà bị cục máu đông gây thuyên tắc động mạch phổi rồi cũng không qua được”, bác sỹ Trương Hùng dẫn chứng.

Vì thế, nói mắc cục máu đông do vaccine sau tận 3 năm tiêm phòng là điều không chính xác. Và việc có bác sỹ chỉ dẫn người dân đi khám sàng lọc cục máu đông theo bác sỹ Hưng là hành vi lợi dụng để kiếm tiền.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng (Đại học Y dược TP.HCM) cho rằng, cần xem xét lại đạo đức của bác sỹ nào đưa ra khuyến cáo này. Bởi đây là việc làm hoàn toàn không cần thiết.

Ông phân tích: D-Dimer là xét nghiệm có thể tìm thấy huyết khối nhưng áp dụng với những trường hợp nguy cơ với các triệu chứng lâm sàng như đau ngực, phù chân… Tuy nhiên, cần phải có chỉ định của bác sỹ.

Còn với những người đã tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca thì giá trị của xét nghiệm này là bằng không.

“Nếu có huyết khối thì nó cũng tan từ lâu rồi, chứ nếu không người đó làm sao còn sống để mà làm xét nghiệm”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh.

Theo ông, biến chứng huyết khối và hội chứng giảm tiểu cầu chỉ xảy ra trong những ngày đầu sau tiêm, tối đa là trong 21 ngày, cá biệt có thể dài hơn nhưng không quá hai tháng. Vì vậy, người dân yên tâm, không lo lắng thái quá và biến mình thành "con mồi" của những thông tin sai lệch.