Những năm gần đây số ca được phát hiện nhiễm mới HIV ở Đồng Tháp tăng tương đối cao so với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đa số tập trung vào nhóm trẻ.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quý - Phó Trưởng Khoa phòng, chống HIV/AIDS Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp cho biết, trung bình mỗi năm tỉnh phát hiện gần 400 ca nhiễm mới HIV, trong đó 85% là từ 15- 49 tuổi.
"Đáng quan ngại là lây nhiễm trong nhóm từ 15-24 tuổi đang tăng nhanh so với 10 năm trước đó, trong đó 99% là nhiễm qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM)" - bác sĩ Nguyễn Ngọc Quý cho biết.
Trước sự thay đổi của mô hình lây nhiễm, vấn đề được ngành y tế Đồng Tháp đặt ra là làm thế nào để đẩy mạnh các hoạt động can thiệp, làm thế nào để các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đến được với đối tượng đích một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
"Đồng Tháp đã triển khai mô hình tìm ca nhiễm mới tại cộng đồng, chủ yếu dựa vào mạng lưới CBO (là những đồng đẳng viên tại cộng đồng) như nhóm S66 Lotus và tư vấn viên đồng đẳng, nhóm MSM… Thực hiện sáng kiến mới trong tìm ca, xét nghiệm cho bạn tình… Luôn duy trì mối liên hệ với khách hàng, mời khách hàng tham gia làm cộng tác viên tìm ca. Hỗ trợ trực tiếp, đưa khách hàng đi xét nghiệm khẳng định và điều trị ARV hoặc tư vấn điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc Prep..." - theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Quý.
Với mục tiêu phát hiện để đưa vào điều trị sớm những trường hợp nhiễm HIV, hiện nay ở Đồng Tháp, tất cả các cơ sở y tế nhà nước và bệnh viện tư nhân, kể cả các trạm y tế xã, phường đều có thể thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV – đây là điểm rất khác biệt so với các địa phương khác. Đặc biệt, để làm giảm lây nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao, Đồng Tháp cũng là một trong số rất ít tỉnh huy động được sự tham gia của y tế tư nhân trong việc cung cấp dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc Prep.
Bác sĩ Võ Công Đoàn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp cho biết, trên địa bàn hiện có 12 phòng khám sàng lọc, trong số này chỉ có 2 phòng khám công lập, còn lại là các cơ sở y tế tư nhân. Toàn tỉnh có 1 nhóm CBO (đồng đẳng viên) là nhóm S66_Lotus và 3 nhóm giáo dục viên đồng đẳng.
Nhiệm vụ chính của các đồng đẳng viên là truyền thông, phát hiện những người có nguy cơ cao để tư vấn, xét nghiệm sàng lọc. Nếu xét nghiệm cho kết quả âm tính sẽ giới thiệu đến các điểm điều trị thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV. Nếu khẳng định dương tính với HIV sẽ được chuyển gửi đến đến các cơ sở điều trị ARV trên địa bàn.
Khác với nhiều tỉnh, việc điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV bằng thuốc Prep thường chỉ có ở các cơ sở y tế công lập thì ở Đồng Tháp, chỉ có khoảng 40% khách hàng nhận thuốc Prep ở cơ sở y tế công, hơn 60% còn lại đăng ký điều trị tại các phòng khám tư nhân.
"Khách hàng muốn đến phòng khám tư nhân vì họ có thể đến từ 6h sáng đến 7h30 tối, phù hợp với những người làm việc trong các cơ quan hoặc làm công nhân trong khu công nghiệp, chỉ đến được ngoài giờ. Việc bảo mật cho khách hàng cũng tốt hơn y tế công..." - bác sĩ Nguyễn Ngọc Quý, nói về lý do của sự lựa chọn này.
Anh Lê Văn Toàn- phụ trách Phòng khám Prep TP Hồng Ngự - 1 trong 10 phòng khám tư nhân ở đây cho biết, cuối năm 2020 bắt đầu tiếp nhận khách hàng đầu tiên. Theo thời gian số lượng người đến uống thuốc dự phòng phơi nhiễm tăng dần và hiện tại là 270 người (chiếm số đông là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới).
Hàng ngày phòng khám mở cửa liên tục từ 7h sáng đến 9h tối, nhưng anh Toàn chia sẻ, với những khách hàng “đặc biệt” này, nhiều khi họ đến bất kể giờ giấc nào "có khi 10h đêm khách vẫn đến nhận thuốc, mình vẫn phải nhiệt tình, dù lúc đó rất mệt.. Hoặc có khi nửa đêm khách gọi xin tư vấn… Thứ 7, chủ nhật phòng khám vẫn hoạt động bình thường, không có nghỉ lễ…".
270 khách hàng đang uống thuốc Prep đều được đưa vào hệ thống quản lý của phòng khám. Trước thời gian đến lĩnh thuốc 1 tuần, bao giờ anh Toàn cũng nhắn tin hoặc gọi điện nhắc nhở khách hàng, không để họ bị lỡ uống thuốc, bởi như thế nguy cơ nhiễm HIV sẽ rất cao.
Cách thức hoạt động không bị “hành chính hóa” như các cơ sở y tế công là lý do khiến nhiều khách hàng uống thuốc Prep ở Đồng Tháp chọn điều trị ở các phòng khám tư nhân.
Bác sĩ Võ Công Đoàn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, ở Đồng Tháp y tế tư nhân đóng góp không nhỏ vào hoạt động cung cấp dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, trước sự gia tăng của số ca nhiễm mới HIV – đặc biệt ở nhóm MSM như hiện nay, y tế Đồng Tháp vẫn trăn trở với câu hỏi làm thế nào để huy động được nhiều hơn nữa mạng lưới y tế tư nhân, bao gồm các phòng khám và hệ thống nhà thuốc cùng tham gia cung cấp dịch vụ dự phòng, tư vấn, xét nghiệm cho nhóm có nguy cơ cao nhiễm HIV trên địa bàn.
"Hiện nay 12 phòng Prep chưa đủ, chúng tôi đang đề xuất với UBND tỉnh, với Sở Y tế thứ nhất là nên có phòng điều trị Prep tại các khu công nghiệp vì ở đó lượng công nhân đông và họ khó tiếp cận nếu như cơ sở điều trị ở xa nơi làm việc. Thứ 2 là tập huấn cho 2135 nhà thuốc để những người này tham gia vào cộng đồng khống chế dịch…" - bác sĩ Võ Công Đoàn nói.
Theo dự kiến, sau khi được tập huấn, trong năm 2024 này, các nhà thuốc tư nhân ở Đồng Tháp sẽ được bán test xét nghiệm HIV cho đối tượng có nhu cầu và Đồng Tháp đang nỗ lực để mỗi quận huyện có ít nhất 4 phòng khám tư nhân tham gia điều trị thuốc dự phòng phơi nhiễm (Prep) cho những người có nguy cơ cao trên địa bàn….
Nghe bài viết tại đây: