Tật khúc xạ, gồm cận, viễn, loạn thị..., trong đó cận thị chiếm đa số, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, phổ biến ở nhóm học sinh, sinh viên, dân văn phòng, người tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử.

Theo PGS.TS Hoàng Cương - Bệnh viện Mắt TƯ, thực tế cận thị bẩm sinh (di truyền) chiếm khoảng 30% số ca mắc. Dị tật này rất khó phòng tránh và kiểm soát nếu trẻ không được sàng lọc hoặc chủ động đến khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt. 70% còn lại liên quan lối sống, thói quen sinh hoạt hàng ngày. Điển hình như nhìn gần kéo dài, sớm tiếp xúc các thiết bị điện tử... hay thói quen thường xuyên ngồi trong phòng, không sinh hoạt ngoài trời.

"Thực tế, hầu hết các trẻ bị tật khúc xạ khi đến khám tại các cơ sở y tế hiện nay đều có tiền sử lạm dụng các thiết bị công nghệ như ti vi, điện thoại, ipad, máy tính. Đặc biệt, sau đợt nghỉ hè, con số trẻ bị cận thị gia tăng đáng kể", PGS.TS Hoàng Cương cho biết.

Cận thị bệnh lý thường đi kèm với nhiều nguy cơ giảm thị lực trầm trọng, như thoái hóa võng mạc ở bệnh nhân cận thị nặng, tăng nguy cơ gây đục thủy tinh thể, bệnh glocom, rách võng mạc, bong võng mạc… người bệnh sẽ phải điều trị phẫu thuật phức tạp hơn, ảnh hưởng rất lớn đến học tập và lao động của người bệnh.

Để nhận biết con trẻ bị tật khúc xạ, PGS.TS Hoàng Cương khuyến cáo cha mẹ nên cho trẻ đi kiểm tra thị lực ở một số mốc thời gian quan trọng như sau: "Khám mắt ngay khi đứa trẻ mới ra đời, để phát hiện những tật bẩm sinh. Thứ hai là năm con 3 tuổi phải cho con đi khám một lần. Trước khi đi học khám một lần nữa, gọi là tiền học đường. Sau khi học xong cấp 3 lại khám một lần nữa. Đó là những giai đoạn quan trọng để khám mắt, để có thể phát hiện những tật khúc xạ ở mắt."

Bên cạnh đó, một số biểu hiện chỉ điểm trẻ đang bị suy giảm thị lực là: trẻ thường nheo mắt, vẹo cổ nghiêng đầu khi nhìn, không nhìn rõ chữ viết trên bảng, viết sai, viết lệch hàng, việc điều tiết của mắt trẻ bị rối loạn dẫn đến tình trạng đau đầu, nhức mắt, chảy nước mắt, học lực giảm....

"Có những lứa tuổi cận thị sẽ tăng số nhanh, có người thì từ 9-11 tuổi, có người từ 9-13 tuổi, ở ngưỡng tuổi đó, cận thị phát triển tương đối cao, sau đó thì nó sẽ dừng lại chứ không giữ nguyên tốc độ như vậy. Cho nên chúng ta đừng quá lo lắng." BS Hoàng Cương phân tích

Để hạn chế tình trạng tăng độ cận, BS Cương khuyến cáo, bên cạnh việc thăm khám định kỳ để điều chỉnh độ cận thị, cha mẹ cũng phải kết hợp các biện pháp khác như ăn uống, bổ sung chất bổ cho mắt, đặc biệt là những hoa quả màu đỏ, vàng, thực phẩm hải sản, cá biển...

Hiện có nhiều phương pháp điều trị cận thị hiện đại như đeo kính áp tròng ban đêm hay thuốc nhỏ mắt hỗ trợ giảm độ cận... Tuy nhiên, cần có chỉ định của các bác sỹ chuyên khoa mắt để đưa ra biện pháp phù hợp đối với từng đối tượng cụ thể.

Theo khảo sát về tình trạng mắc tật khúc xạ ở trẻ em trên một số trường tiểu học và trung học cơ sở năm 2020 tại Hà Nội và năm 2023 tại TP.HCM của Bệnh viện Mắt Trung ương cho thấy tỷ lệ trẻ bị các vấn đề về mắt, nhất là cận thị ngày càng tăng cao. Tại Hà Nội, khoảng 51% trẻ em mắc tật khúc xạ, trong đó cận thị chiếm 37,5%, viễn thị chiếm 8,2% và loạn thị là 5,3%. Còn tại TP.HCM, tỷ lệ trẻ em mắc tật khúc xạ lên tới 75,6% trong đó, số trẻ em bị cận thị chiếm 52,7%.

Mời nghe tại đây: