Trong đêm bão Yagi đổ bộ, khoa Cấp cứu, Bệnh viện E luôn sáng đèn và liên tiếp tiếp nhận nhiều trường hợp người dân bị thương do tai nạn liên quan đến cơn bão số 3.

Một trong số những bệnh nhân nặng là bệnh nhân N.V.S (ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau đầu, đau vai trái… được chẩn đoán chấn thương sọ não vỡ xương trán, máu tụ ngoài màng cứng. Anh S. bị ngã từ trên cao xuống khi đang cố gắng gia cố mái tôn.

Một trường hợp nữa là anh L.V.T (ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng chảy máu nhiều vùng da đầu do bị mái tôn công trình rơi trúng đầu.

Đây là 2 trong số 36 bệnh nhân được khoa Cấp cứu, Bệnh viện E tiếp nhận và điều trị trong ngày 8/9 khi cơn bão số 3 đổ bộ vào Hà Nội. Trong số này có 10 trường hợp liên quan trực tiếp đến cơn bão số 3, các ca còn lại là cấp cứu nội và ngoại khoa được chuyển đến từ các tuyến y tế.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, riêng trong ngày mưa bão 7/9, Bệnh viện Bạch Mai đã cung cấp khoảng 5.000 suất ăn đến tận giường cho người bệnh và người nhà họ, để đảm bảo dinh dưỡng trong điều trị cũng như an toàn thực phẩm trong thời điểm mưa bão.

Để tiếp đón bệnh nhân trong tình huống có đông người cấp cứu, Đội thanh niên xung kích của Bệnh viện được thành lập với vài chục tình nguyện viên ở các khoa và các em sinh viên trường Cao đẳng Y Bạch Mai luôn trực sẵn tại Bệnh viện.

Mặc dù sẵn sàng cho các phương án chống bão, nhưng hoạt động khám và điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai vẫn được duy trì nhằm đảm bảo mọi người dân đều được chăm sóc đầy đủ.

Tại Trung tâm Cấp cứu A9, các thầy thuốc có mặt đầy đủ để tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu từ các nơi chuyển đến. Các bác sĩ của Trung tâm Gây mê Hồi sức cũng tất bật với những bệnh nhân nặng. Các bác sĩ liên tục phải chạy đua với thời gian để giành sự sống cho người bệnh. Có bệnh nhân bị shock mất máu nặng, các bác sĩ đã phải ép tim và mổ ngay trên cáng. Có sản phụ chỉ định phẫu thuật phải hội chẩn nhiều chuyên khoa để phối hợp cấp cứu bệnh nhân. Giữa giông bão, những em bé vẫn chào đời an toàn ở nơi này.

Theo thông tin từ Sở Y tế Hải Phòng và Thái Bình, bão số 3 đã khiến 1 số cơ sở y tế bị thiệt hại như bay mái, bay biển hiệu, biển chỉ dẫn... Một số trạm y tế bị đổ tường bao.

Chiều 8/9, Cục quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế đã có công văn chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nội và các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của Bão số 3; Các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Bắc và miền Trung, với trường hợp bệnh nhân cấp cứu chấn thương nặng, vượt quá khả năng chuyên môn, bệnh viện cần tổ chức hội chẩn chuyên môn hoặc chuyển bệnh viện khác kịp thời; Các bệnh viện chủ động, tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo cụ thể tại Công văn số 1462/KCB-QLCL&CĐT của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh về công tác cấp cứu, khám chữa bệnh; nếu có khó khăn đề nghị báo cáo cấp có thẩm quyền và Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ có hỗ trợ, chi viện kịp thời.