Sau khi chuẩn bị xong bữa cơm tối cho gia đình, khoảng 17h15 chiều, chị Hà Thị Lan ở huyện Thanh Trì, Hà Nội lại cùng con trai 5 tuổi mở tivi có kết nối Internet. Lướt tìm các bài tập thể dục toàn thân hoặc các bài tập gym, hai mẹ con bắt đầu các động tác quen thuộc. Bé và mẹ sẽ tập liên tục khoảng 30 phút có nghỉ giữa các bài tập khoảng 15-30 giây. Với những bài tập khó, không phải động tác nào bé cũng thực hiện thành công. Tuy nhiên, chỉ cần con trai đứng lên, xoay người, giơ tay và chuyển động theo điệu nhạc, hào hứng với các bài tập vận động là chị Lan đã thấy nỗ lực của mình đem lại hiệu quả bước đầu bởi sau một thời gian tập luyện, bé đã nhanh nhẹn, hoạt bát hơn, không hay ngồi hoặc nằm chơi như trước.

Còn tại nhà chị Thu Hường ở Long Biên, Hà Nội, không khí tập luyện thể thao cũng “lên cao” không kém. Trước đây, bé Nhím và Thỏ - con của chị Hường rất ưa thích vận động ngoài trời như đạp xe, bơi lội. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh bùng phát, các bé chẳng thể ra ngoài. Chị Hường cho biết: “Sau khi có dịch bố các bé mua máy cho vận động và tập chạy vào buổi chiều. Mỗi ngày sáng tập 20 phút, chiều 30 – 40 phút”. Chăm chỉ và kiên trì tập luyện thể thao đã mang đến cho ba mẹ con chị Hường khoảng thời gian sảng khoái và tinh thần tích cực trong những ngày ở nhà chống dịch Covid-19.

Có thể nói, đây là những cách làm hay giúp cha mẹ và bé có thể cùng tập vận động khi không thể ra ngoài. Tuy nhiên, có những nguyên tắc vận động cần phải tuân thủ để đảm bảo sức khỏe, phù hợp với thể chất của các bé.

PGS-TS-BS Võ Tường Kha- GĐ Bệnh viện Thể thao VN chia sẻ, việc vận động của trẻ từ 4-6 tuổi là một trong những yếu tố tích cực để trẻ phát triển về thể chất, thể lực, chiều cao và phát triển về trí tuệ. Vì vậy, việc lựa chọn các bài tập, hình thức tập luyện cũng như các thiết bị hỗ trợ tập luyện cần được các cha mẹ nghiên cứu kỹ.

Đối với việc cho trẻ nhỏ (4-6 tuổi) tập theo các bài hướng dẫn trên mạng Internet, BS Kha cho rằng, tuy có thể áp dụng nhưng hiện nay xuất hiện khá nhiều các bài tập không mang tính chính thống. Thêm vào đó, các bài tập này không đáp ứng đúng tình trạng thể lực, tình trạng bệnh lý tiềm ẩn của từng trẻ. Ngoài ra, thời lượng cũng như cường độ vận động không phù hợp với mục đích vận động của lứa tuổi (như rèn sức nhanh, sức bền và độ khéo léo) do đó ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện về thể chất của các bé. “Nếu lựa chọn các bài tập trên mạng Internet mà không được kiểm chứng, thẩm định đối với lứa tuổi từ 4-6, có thể phát sinh các chấn thương, các bệnh lý tiềm ẩn cũng như khiến trẻ phát triển lệch lạc về thể chất, thể hình”- BS Võ Tường Kha nói.

Vì vậy, theo bác sĩ Võ Tường Kha, việc lựa chọn bài tập đầu tiên cần phải theo nguyên tắc chính thống, được các cơ quan có thẩm quyền như Bộ Giáo dục- Đào tạo, Bộ Y tế hoặc Tổng cục thể thao ban hành với sự thẩm định của chuyên gia. Nguyên tắc thứ hai chọn bài tập phải đảm bảo phù hợp với trình độ, thể lực hoặc tình trạng sức khỏe, bệnh lý của từng trẻ. Từ đó, giúp mỗi bé có được lượng vận động phù hợp cũng như đáp ứng mục đích vận động của từng bé.

Đối với thiết bị tập luyện phải chọn từng môn thể thao phù hợp và đảm bảo theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất ban hành và được cơ quan có thẩm quyền thẩm định. Ngoài ra, kích cỡ, trọng lượng của thiết bị tập luyện phải phù hợp trẻ để tránh xảy ra chấn thương. Hiện nay, các thiết bị tập luyện tại nhà có thể lựa chọn như đi bộ trên thảm chạy, đạp xe đạp tại nhà, nhảy dây, đu xà, chống đẩy hoặc chơi các trò chơi như nhảy lò cò, đánh bóng bàn, đá bóng… “Bên cạnh đó, cần lưu tâm đến trang phục tập luyện cho trẻ, đảm bảo trang phục phải phù hợp với từng môn thể thao. Cha mẹ nên lưu ý đến độ rộng, độ thoáng khí và thấm mồ hôi để tránh hiện tượng bức nhiệt, gây sốt, mất nước và dẫn đến tình trạng mệt mỏi cho các trẻ”- bác sĩ Võ Tường Kha lưu ý.