Đợt dịch thứ tư này Hà Nội ghi nhận tổng cộng hơn 360.00 ca nhiễm Covid-19. Một tháng qua, số ca nhiễm tăng gần 10 lần, riêng những ngày gần đây đều hơn 20.000 ca mỗi ngày. Tuy nhiên, hơn 95% F0 tại thành phố ở thể nhẹ và không triệu chứng, chưa đến 4% người nhiễm của thành phố điều trị ở các bệnh viện tầng hai và tầng ba, tỷ lệ tử vong 0,4%.

Theo Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà, trong giai đoạn này thành phố đánh giá mức độ nguy cơ thông qua tỷ lệ bệnh nhân vào viện, chuyển nặng, tử vong; khả năng đáp ứng của hệ thống y tế ở các tuyến chứ không phải số ca nhiễm mỗi ngày. Tính toán về khả năng đáp ứng thu dung bệnh nhân, Sở Y tế khẳng định vẫn đang ở trạng thái chủ động, không quá tải.

Hiện, thành phố đã mở toàn bộ giường điều trị cho bệnh nhân tầng 2, 3 ở tất cả bệnh viện; làm việc với Bộ Y tế và bệnh viện trực thuộc các bộ, ngành Trung ương để đề nghị hỗ trợ thu dung bệnh nhân. Trong đó có các bệnh viện Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội, Việt Đức, Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện E, Hữu nghị Việt Xô; trực thuộc các bộ, ngành có bệnh viện Nông nghiệp, Thể thao, Dệt May, Xây dựng...

"Kể cả với kịch bản số ca nhiễm tăng gấp đôi như hiện nay, thành phố cơ bản vẫn đáp ứng được", bà Hà cho biết. Ngoài khả năng thu dung của các bệnh viện trên, Sở Y tế sẽ huy động thêm một số bệnh viện tuyến huyện ngoại thành tại Gia Lâm, Thạch Thất, Chương Mỹ, Sơn Tây. Các bệnh viện này có thể dành một nửa cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, nửa còn lại điều trị các bệnh khác.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Y tế nhìn nhận với thực trạng số ca nhiễm nhiều như hiện nay, chỉ riêng lực lượng của ngành y tế là không đủ để đáp ứng nhu cầu tư vấn, theo dõi, điều trị cho F0 tại nhà. Ở tuyến cơ sở, các trung tâm y tế quận huyện như Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Mê Linh... đang quá tải do F0 tăng nhanh (gần 1.000 ca một ngày). Hiện, trạm y tế phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, chỉ có 9 nhân viên y tế; quận Hà Đông có 17 trạm y tế, mỗi trạm có 7-8 nhân viên; một số nơi khác cũng chỉ có tối đa 5-10 cán bộ y tế. Ngoài ra, rất nhiều y bác sĩ đã bị nhiễm bệnh nhưng vẫn phải hỗ trợ vòng trong do không còn người, có trạm toàn bộ nhân viên y tế đều là F0.

Tình trạng này cũng đang diễn ra ở các bệnh viện lớn. Hiện, Bệnh viện Đức Giang có gần 500 y bác sĩ (trên tổng số 1.000 người) nhiễm bệnh, trong đó 10% không triệu chứng, và vẫn đang làm việc. "Khó khăn nhất lúc này là tình trạng nhân viên y tế nhiễm bệnh tiếp tục tăng khiến lượng công việc vốn nhiều nay càng thêm áp lực", Giám đốc bệnh viện Nguyễn Văn Thường nói.

Để luôn có giường điều trị F0, Hà Nội đã áp dụng phương án hạ tầng điều trị - tức bệnh nhân chỉ cần qua giai đoạn nguy hiểm là có thể về nhà theo dõi tiếp. Thành phố cũng đang huy động thêm lực lượng tình nguyện, bác sĩ đã nghỉ hưu, các cơ sở y tế ngoài công lập cùng tham gia, đảm bảo người dân được đáp ứng y tế sớm nhất, kịp thời chuyển tầng và hạn chế tối đa các ca chuyển nặng.

Sở Y tế Hà Nội đề nghị các bệnh viện quan tâm đến nhóm đối tượng nguy cơ cao, phụ nữ mang thai chưa được tiêm vaccine. Trẻ em trên ba tháng tuổi mắc Covid-19 sẽ được điều trị tại nhà (tầng một), hoặc tại các cơ sở thu dung quận huyện; các em có bệnh nền không ổn định hoặc thể trạng béo phì, hoặc dưới 3 tháng tuổi sẽ được điều trị tại bệnh viện đa khoa; trẻ bị nặng được điều trị tại các bệnh viện tầng ba gồm Thanh Nhàn, Hà Đông, Đức Giang, Xanh Pôn, Sơn Tây hoặc bệnh viện trung ương, bộ, ngành.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, dù số ca nặng và tử vong tại Hà Nội không tăng, song trước diễn biến phức tạp dịch bệnh, ngành y tế cần siết chặt các biện pháp kiểm soát để dịch không bùng lên gây quá tải y tế. Ngoài ra, Hà Nội cũng cần tính toán đến lực lượng thay thế nhân viên y tế - những người đang phải gồng gánh khối lượng công việc khổng lồ, áp lực chưa từng có. Nhất là trong bối cảnh hiện nay các nhân viên y tế nhiễm bệnh ngày càng nhiều nhưng vẫn phải làm việc trong cường độ cao.