Riêng tuần qua, từ 13-19/6, thành phố ghi nhận 135 ca mắc, rải rác ở khắp các quận huyện như Sóc Sơn, Mê Linh, Chương Mỹ, Đống Đa, Thanh Trì, Đông Anh, Ba Vì. Hầu hết bệnh nhân nhẹ, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cho biết số ca tăng là điều tất yếu khi trẻ quay lại trường học. Trong khi đó, tay chân miệng là bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, qua tiếp xúc, giọt bắn. Tuy nhiên, số ca chỉ tăng nhẹ, phân bố lẻ tẻ, rải rác ở nhiều quận huyện, không có ổ dịch lớn như tại TP.HCM.

Ông Tuấn so sánh, giai đoạn năm 2018-2019, số ca tay chân miệng có lúc lên đến 3000, nhiều ổ dịch phức tạp, nguy hiểm gấp 4 đến 5 lần hiện nay. "Còn mức tăng hiện nay chỉ cao so với với năm ngoái và vẫn trong tầm kiểm soát", ông Tuấn nói. Trong năm 2021, đại dịch kéo dài, Hà Nội và nhiều tỉnh thành bị phong tỏa, học sinh được nghỉ học nhiều nên số trẻ mắc giảm mạnh, nguy cơ lây lan thành ổ dịch gần như không có.

Cùng quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng khi trẻ nhỏ mầm non đi học trở lại làm tăng tỷ lệ tiếp xúc, "lây nhiễm là điều khó tránh khỏi". Ngoài ra, nỗi ám ảnh đại dịch đã ăn sâu tiềm thức người dân, hầu hết mọi người chỉ nhắc đến Covid-19 và quên lãng một số mặt bệnh nguy hiểm khác. Do đó, khi cuộc sống trở lại bình thường, người dân dần để ý hơn đến các bệnh bùng phát theo mùa.

"Tuy nhiên, từ kinh nghiệm phòng chống Covid-19 đã trang bị cho người dân cách tự chăm sóc và phòng bệnh truyền nhiễm tốt hơn trước, số ca mắc nhẹ, không có biến chứng nặng nề", ông Phu nói.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh có thể trở nặng và gây biến chứng nguy hiểm, nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp chính là chăm sóc và điều trị triệu chứng.

Để chủ động phòng chống bệnh, chuyên gia khuyến cáo mọi người rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín, chén bát đảm bảo sạch sẽ trước khi sử dụng.

Trẻ mắc bệnh cần cách ly tối thiểu 10 ngày để đảm bảo không lây nhiễm, sau đó có thể đi học trở lại. Thời gian này, cha mẹ cần theo dõi sức khỏe trẻ kỹ lưỡng. Nếu trẻ bị sốt cao trên hai ngày hoặc sốt trên 39 độ, giật mình (dù rất khẽ) cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.