Hà Nội với nỗ lực nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

Sở Y tế Hà Nội vừa công bố kết quả khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người bệnh quý II năm 2024 với tỷ lệ hài lòng của người bệnh đối với khối bệnh viện là 97,2%. Kết quả này được khảo sát tại 41/42 bệnh viện công lập và 40/43 bệnh viện ngoài công lập và với các tiêu chí, đó là: khả năng tiếp cận; sự minh bạch thông tin và thủ tục khám bệnh, điều trị; cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ người bệnh; thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế và kết quả cung cấp dịch vụ.

Cùng với những đánh giá tích cực, qua quá trình đánh giá, khảo sát, người bệnh cũng bày tỏ một số vấn đề tại bệnh viện công lập như cơ sở vật chất xuống cấp hoặc đang có dự án cải tạo sửa chữa nên cảnh quan chưa sạch đẹp, nhiều đơn vị nhà vệ sinh còn chưa sạch. Ở các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã nhiều phòng khám đa khoa xuống cấp hoặc đang trong quá trình sửa chữa, trang thiết bị y tế cũ, thiếu bác sĩ chuyên khoa cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám chữa bệnh.

Chỉ số hài lòng của người bệnh là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng bệnh viện. Hiện UBND thành phố Hà Nội cùng với cơ quan chuyên môn là Sở Y tế cũng đang nỗ lực thúc đẩy chuẩn hóa hoạt động của các bệnh viện. Trong đó có một số hoạt động trọng điểm như công tác cấp cứu, hồi sức tích cực, áp dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính y tế, quy trình khám chữa bệnh…

Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, hiện có 41 bệnh viện công lập trong đó có 29 bệnh viện tuyến thành phố, 13 bệnh viện tuyến huyện, ngoài ra còn có gần 3.000 cơ sở khám ngoài công lập. Điều này tương ứng với tỷ lệ 27,5 giường bệnh/vạn dân. Đây là con số đáng khích lệ trong chính sách an sinh đối với người dân thủ đô. Và cùng với số lượng, chất lượng chăm sóc y tế càng cần phải được quan tâm, đầu tư thích đáng.

Trong những năm qua, nhiều kỹ thuật cao đã được các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn Thủ đô triển khai điều trị cho người bệnh như: Kỹ thuật ECMO, gây tê vùng dưới kích thích của máy dò thần kinh, phẫu thuật Laser không chạm-Smart Surf; phẫu thuật tim ít xâm lấn nội soi toàn bộ; phẫu thuật can thiệp bào thai; ghép thận, hướng tới kỹ thuật ghép gan... Trong khi đó, hiện các bệnh viện tuyến huyện đã thực hiện được phẫu thuật nội soi trong ngoại khoa, sản khoa để dần trở thành hoạt động thường quy...

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội coi chất lượng là then chốt

TS Mai Trọng Hưng, Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, đơn vị đứng đầu trong 10 bệnh viện công được Sở Y tế Hà Nội đánh giá chất lượng cao nhất vừa qua, cho biết: việc được đánh giá số 1 trong thang điểm chất lượng của Sở Y tế là một niềm vui và cũng phản ánh những nỗ lực hàng ngày của bệnh viện.

Căn cứ vào chủ trương của Bộ Y tế, Sở Y tế HN, cùng với mô hình tổ chức, nhiệm vụ được giao, bệnh viện luôn coi chất lượng trong khám, điều trị, phục vụ người bệnh là then chốt.

Theo đó, có 3 trụ cột chính cần được quan tâm đầu tư, đó là: hạ tầng cơ sở vật chất, phòng ốc thiết bị y tế; công tác thu dung thu hút người bệnh; nguồn lực con người.

Với phương châm là “con người chuẩn, hạ tầng tốt, thiết bị hiện đại”, bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã triển khai hệ thống quản lý chất lượng bệnh viện.

“Hệ thống quản lý chất lượng bệnh viện bám sát hoạt động chuyên môn, bám theo chức năng nhiệm vụ để xây dựng kế hoạch. Trong đó có bộ máy mạng lưới gồm 50 khoa phòng của bệnh viện cùng tham gia tổ chức triển khai. Quá trình thực hiện luôn có sự giám sát, đánh giá, tổng kết của hội đồng chuyên môn của bệnh viện”- TS Mai Trọng Hưng, Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội nhấn mạnh.

Thực tế, hoạt động của các bệnh viện công nói chung hiện nay gặp nhiều khó khăn và bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng không ngoại lệ. Đơn cử như về hạ tầng, phần lớn nhà cũ, xây dựng nhiều năm xuống cấp. Cơ chế mua sắm thiết bị vật tư y tế hiện đã thuận lợi hơn, tuy nhiên, sự đầu tư của Nhà nước còn hạn chế trong khi thiết bị liên quan đến chuyên môn thường rất đắt dỏ.

Ngoài ra, về con người, việc đảm bảo đời sống cán bộ thực sự khó khăn trong bối cảnh còn vướng cơ chế thu – chi.

Tuy nhiên, xác định khó khăn là để vượt qua chứ không phải để ta thán, vì vậy, Ban giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tìm nhiều cách để “vượt khó”.

“Chúng tôi tuy là khó khăn nhưng được sự quan tâm của thành phố Hà Nội, Sở Y tế để cố gắng khai thác trong điều kiện có thể. Nhiệm vụ nâng cao chất lượng bệnh viện là nhiệm vụ bắt buộc. Vì thế, về hạ tầng, phòng ốc chưa rộng nhưng chúng tôi tổ chức sắp xếp gọn gàng, phù hợp, chưa xây dựng được mới nhưng phải sạch sẽ.

Về trang thiết bị, bệnh viện vận dụng tối đa nguồn đầu tư từ Nhà nước, từ nguồn kinh phí tiết kiệm của bệnh viện và các hình thức phối hợp khác. Mục tiêu lớn nhất là để các y bác sỹ có phương tiện hiện đại phục vụ cho việc khám và điều trị được tốt nhất.

Chúng tôi cũng vận dụng tối đa để thu dung người bệnh. Tạo điều kiện cho các bác sỹ cống hiến, đảm bảo thu nhập cho cán bộ, y bác sỹ yên tâm và yêu nghề”- TS Mai Trọng Hưng, Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho biết.

Với những giải pháp này, bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã được nhiều tiến bộ trong chuyên môn. Đặc biệt, có những kỹ thuật y tế tiên tiến trên thế giới cũng đã được thực hiện thường quy tại bệnh viện. Và hệ thống phòng xét nghiệm của bệnh viện cũng là một trong những đơn vị đầu tiên của thành phố đạt tiêu chuẩn ISO. Hệ thống đông máu tự động vừa được triển khai tại bệnh viện là hệ thống máy xét nghiệm hiện đại mà hiện mới chỉ có 3 bệnh viện trung ương đưa vào sử dụng.

Và sự hài lòng của bệnh nhân đối với bệnh viện phụ sản Hà Nội thời gian qua chính là từ những nỗ lực như vậy.

Bệnh viện Thanh Nhàn xóa bỏ định kiến bệnh viện công

Ông Nguyễn Định Mạc (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: ông mắc ung thư và điều trị thường xuyên tại bệnh viện K. Tuy nhiên, thời điểm bệnh viện K thiếu thiết bị, máy móc hỏng, ông buộc phải chuyển sang đơn vị khác để thực hiện kỹ thuật nút mạch u gan. Rất nhiều sự lựa chọn được bác sỹ tuyến trên gợi ý nhưng ông chọn bệnh viện Thanh Nhàn vì một lý do đơn giản là gần nhà.

“Bây giờ đã là lần thứ 5 tôi thực hiện nút mạch ở đây, thật sự rất yên tâm, hài lòng từ dịch vụ đến thái độ y bác sỹ”, ông Mạc chia sẻ.

Bà Hoàng Thị Phượng sống tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội khám và nhận thuốc theo diện bảo hiểm y tế tại bệnh viện Thanh Nhàn từ năm 2003. Bà nhận thấy sự thay đổi diện mạo, cơ sở vật chất trong nhiều năm qua.

“Hồi đó cơ sở còn cũ, giờ thì xây mới sạch đẹp hơn. Y tá bác sỹ thì vẫn rất nhẹ nhàng, hướng dẫn cẩn thận, con gái tôi cứ bảo chuyển sang bệnh viện khác nhưng tôi vẫn chọn ở đây, không có gì phàn nàn cả”- bà Phượng nói.

Theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, bệnh viện Thanh Nhàn đứng trong nhóm 5 bệnh viện chất lượng cao nhất của thành phố Hà Nội. Ông Nguyễn Hải Ngân, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: Đảng ủy, lãnh đạo bệnh viện luôn tạo điều kiện cung cấp đủ nguồn lực để chuẩn hóa, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Cùng với đó là sự phối hợp của các khoa phòng và sự đồng lòng của các y bác sỹ, nhân viên y tế.

Một điểm nhấn trong công tác chuyên môn của bệnh viện đó là 2 bằng độc quyền sáng chế: bộ kit xác định nhanh vi khuẩn gây nhiễm trùng đoạn mồi, đoạn dò và dụng cụ trong phân tích, chẩn đoán bệnh lao.

Thời gian tới, bệnh viện Thanh Nhàn tiếp tục coi nâng cao chất lượng dịch vụ là nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, sẽ triển khai những kỹ thuật mới, hiện đại, thực hiện gói chăm sóc sức khỏe phục vụ đa dạng nhu cầu của người bệnh.

Ngoài ra, mục tiêu của bệnh viện từ nay đến cuối năm sẽ công bố bệnh án điện tử, tiếp tục chuyển đổi số, cải tiến hoạt động của khoa khám bệnh nhằm giảm thời gian chờ đợi, đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vật tư, tạo ra văn hóa bệnh viện, đổi mới phong cách nhân viên y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Xin mời nghe âm thanh tại đây: