Cần thiết triển khai mô hình hợp đồng dịch vụ xã hội

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt và hiệu quả hàng đầu thế giới. Liên tiếp trong hơn 10 năm qua, dịch HIV/AIDS tại Việt Nam đã giảm ở cả 3 tiêu chí: số người mới phát hiện nhiễm HIV, số người chuyển sang AIDS và số người tử vong do AIDS. Theo tính toán của các chuyên gia, chúng ta đã tránh cho hơn nửa triệu người không bị nhiễm HIV, gần 200 ngàn người thoát khỏi tử vong do AIDS. Mặc dù thành tựu đạt được rất đáng mừng, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và còn nhiều việc phải làm để kiểm soát dịch HIV trong cộng đồng.

Mỗi năm vẫn có hơn 10 nghìn người nhiễm mới HIV và khoảng 2.000 - 3.000 trường hợp tử vong do HIV/AIDS. Nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu dựa vào viện trợ của quốc tế, đang cắt giảm nhanh, trong khi các nguồn tài chính trong nước chưa kịp bù đắp thiếu hụt tài chính. Nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng đang bị thiếu hụt. Việc chuyển giao dịch vụ HIV/AIDS từ nhà tài trợ sang cho quốc gia, công tác điều trị được chuyển từ hệ thống dự phòng sang hệ thống điều trị ít nhiều thay đổi quy trình, thủ tục hành chính đã ảnh hưởng đến duy trì điều trị ARV của bệnh nhân.

Trước kia, nói đến người nhiễm HIV thì chúng ta nghĩ nhiều đến nhóm tiêm chích ma túy hay là nhóm phụ nữ mại dâm. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây thì đường lây nhiễm HIV chủ yếu là qua con đường tình dục, đặc biệt tập trung là trong nhóm nam quan hệ đồng giới hay là nhóm người chuyển giới. Vì vậy, đây là một xu hướng dịch mới nổi mà chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm để ứng phó, do đó đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị cho những mô hình mới để công tác phòng chống dịch được hiệu quả hơn.

-PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS -

Để khống chế dịch HIV/AIDS và tiến tới mục tiêu kết thúc đại dịch vào năm 2030 như chiến lược quốc gia đã đề ra, nước ta đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp, đáp ứng với diễn biến mới của dịch. Một trong số đó là huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội cung cấp dịch vụ phòng chống dịch thông qua thí điểm mô hình mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội hay thường được gọi là hợp đồng xã hội.

Cụ thể, Cục phòng chống HIV/AIDS đã phối hợp với các đối tác của Chương trình Cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về Phòng chống HIV/AIDS gọi tắt là PEPFAR bao gồm USAID, USCDC, và Cơ quan phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS gọi tắt là UNAIDS xây dựng và trình Bộ Y tế phê duyệt “Đề án thí điểm mua sắm dịch vụ phòng chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội”. Mục tiêu là thí điểm mua sắm 4 gói dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp thông qua hình thức đặt hàng hoặc đấu thầu. Ngoài ra, việc thí điểm cũng sẽ cung cấp bằng chứng cho việc đề xuất các cơ chế, chính sách và lộ trình thực hiện hợp đồng xã hội trong tương lai.

4 gói dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS bao gồm:

- Cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn cho người có hành vi nguy cơ và chuyển gửi người có nhu cầu vào điều trị Methadone;

- Xét nghiệm HIV tại cộng đồng và chuyển gửi người có kết quả xét nghiệm có phản ứng HIV đến cơ sở y tế xét nghiệm khẳng định;

- Kết nối và chuyển gửi người có kết quả khẳng định HIV dương tính vào cơ sở điều trị ARV;

- Kết nối và chuyển gửi người có kết quả xét nghiệm HIV âm tính và đủ điều kiện vào điều trị PrEP.

Bảo đảm tính bền vững của các dịch vụ cộng đồng trong phòng, chống HIV

Sau gần 2 năm triển khai, hiện đã có 13 doanh nghiệp xã hội và tổ chức cộng đồng tại các tỉnh tham gia thí điểm. Đồng Nai là một trong những tỉnh được lựa chọn để án thí điểm hợp đồng xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS.

Từ tháng 6 năm ngoái, tỉnh Đồng Nai đã thí điểm ba gói dịch vụ bao gồm: xét nghiệm HIV tại cộng đồng và chuyển gửi người có phản ứng với HIV đến cơ sở y tế xét nghiệm khẳng định; chuyển gửi người có kết quả khẳng định HIV dương tính vào cơ sở điều trị bằng thuốc ARV; chuyển gửi người có kết quả xét nghiệm HIV âm tính và đủ điều kiện vào cơ sở điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV mà quen gọi là PrEP.

Là đơn vị đầu tiên thực hiện thí điểm hợp đồng xã hội tại Đồng Nai, anh Trần Hưng – đại diện Doanh nghiệp xã hội Hưng Vũ cho biết, mô hình hợp đồng xã hội có ý nghĩa rất lớn trong việc duy trì các hoạt động phòng chống HIV/AIDS của doanh nghiệp và nâng cao năng lực của tổ chức. Qua thời gian triển khai thí điểm, mô hình hợp đồng xã hội tại Đồng Nai đã đạt được những kết quả như: Ca tiếp cận, đánh giá nguy cơ, xét nghiệm HIV âm tính đạt 92%; kết nối thành công điều trị PrEP đạt 100%; chuyển gửi làm xét nghiệm khẳng định và kết nối thành công điều trị ARV đạt hơn 91% so với chỉ tiêu.

Cũng tham gia cung cấp các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm, truyền thông về HIV tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, trước đây Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội The Sun Việt Nam (vốn là một nhóm cộng đồng) cũng hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí được hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên giờ đây, khi nguồn tài trợ rút đi, đơn vị vẫn duy trì được các hoạt động trong phòng chống HIV/AIDS nhờ vào mô hình hợp đồng xã hội. Anh Danh Tùng – Giám đốc doanh nghiệp cho biết hiện trung bình mỗi tháng, doanh nghiệp xã hội The Sun phát hiện được từ 5-6 ca dương tính với HIV, đồng thời gửi ngay những người có HIV dương tính này vào điều trị bằng thuốc ARV; tư vấn và chuyển gửi đến cơ sở y tế để uống thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) khoảng 15-20 trường hợp.

Trong khi tại nhiều địa phương khác, các tổ chức cộng đồng phòng chống HIV/AIDS đang gặp khó khăn do hết các nguồn tài trợ quốc tế, việc phát hiện người nhiễm HIV mới giảm sút thì qua thời gian, nhờ triển khai thí điểm mô hình hợp đồng xã hội, ngành y tế Nghệ An vẫn duy trì hoạt động 9/9 phòng xét nghiệm khẳng định HIV trên địa bàn, hỗ trợ rất nhiều người được tham gia điều trị bằng thuốc ARV…

Tương tự, tại tỉnh Điện Biên, đề án thí điểm mua sắm dịch vụ phòng chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội bắt đầu triển khai từ tháng 6/2022. Đối tượng can thiệp là người nghiện chích ma túy, vợ, bạn tình của người nghiện chích; người bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới. BS Nguyễn Hồng Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên cho biết, địa phương cũng triển khai ba gói dịch vụ tại 2 địa bàn là thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên, gồm: tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV; cấp phát vật phẩm can thiệp giảm hại như bơm kim tiêm sạch, bao cao su, chất bôi trơn; chuyển người nghiện ma túy có nhu cầu tiếp cận dịch vụ Methadone được điều trị bằng thuốc thay thế... Bác sĩ Nguyễn Hồng Thanh nhận xét, mô hình hợp đồng xã hội bước đầu đã chứng minh tính hiệu quả và sẽ giảm gánh nặng cho nhà nước trong công tác quản lý, phòng chống HIV/AIDS.

Sẽ đánh giá hiệu quả mô hình một cách khách quan

Chương trình thí điểm mô hình Hợp đồng xã hội đã cho thấy những bước tiến quan trọng để từng bước tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự tham gia của các tổ chức xã hội vào công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam và hướng đến kiểm soát dịch vào năm 2030.

Về kế hoạch sắp tới, trong lộ trình thí điểm hợp đồng mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội, bác sĩ Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho biết sẽ tiếp tục triển khai mô hình này tại 8 tỉnh, thành và xây dựng bộ công cụ đánh giá tính khả thi của mô hình để đảm bảo tính khách quan trước khi đưa ra chính sách và áp dụng rộng rãi.

Hiện, nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng hình thức hợp đồng xã hội để huy động các tổ chức xã hội tham gia cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS như Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Mexico, Barbados, Cộng hòa Dominica... Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, nếu không có nguồn lực trong nước, các tổ chức xã hội sẽ không thể tiếp tục tham gia cung cấp các dịch vụ thiết yếu. Do vậy việc thí điểm mô hình hợp đồng xã hội để tiến tới có thể sử dụng ngân sách nhà nước để hợp đồng với các tổ chức xã hội cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS sẽ là giải pháp lâu dài đảm bảo sự tham gia có hiệu quả của các tổ chức xã hội trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.