Chế độ ăn thiếu cân đối, ít vận động - nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì ở trẻ

Tờ CNN công bố kết quả nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) so sánh sự thay đổi chỉ số thể trọng BMI ở hơn 430.000 trẻ em 2-19 tuổi trước và trong đại dịch. Kết quả cho thấy, tất cả trẻ em tham gia nghiên cứu đều có sự gia tăng đáng kể chỉ số thể trọng trong thời gian đại dịch, ngoại trừ những trẻ trước đó bị thiếu cân.

Tại Việt Nam, tình trạng này cũng không ngoại lệ. Theo đánh giá của PGS.TS Bùi Thị Nhung - Chủ nhiệm khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nguyên nhân là sự mất cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao.

“Trong điều kiện sinh hoạt bình thường, hàng ngày trẻ đi học có các hoạt động thể chất tại trường, vui chơi khu công cộng và đi lại giúp tiêu hao năng lượng. Khi ở nhà học trực tuyến, chủ yếu ở trong nhà, trẻ ít vận động hơn, ngồi nhiều trước màn hình cũng làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì. Mặt khác, chế độ ăn không cân đối, ăn nhiều, ăn các món ăn theo sở thích như món chiên rán, ít rau, ăn vặt cũng làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì. Đặc biệt, các thức ăn nhanh, thức ăn có nhiều chất béo hấp dẫn trẻ em như gà rán, xúc xích, bánh kem, bơ, các món chiên rán... có đậm độ năng lượng cao, nhưng nghèo dinh dưỡng”, PGS.TS Bùi Thị Nhung cho biết.

Giãn cách xã hội kéo dài và lo lắng nguy cơ lây nhiễm Covid-19, nhiều phụ huynh tăng cường bồi bổ cho con bằng những bữa ăn giàu năng lượng, đặc biệt là nhiều chất đạm vì nghĩ trẻ ăn nhiều chất bổ sẽ giúp cơ thể tăng đề kháng, khỏe mạnh hơn, hạn chế đau ốm.

Tuy nhiên, đây là cách chăm sóc con sai lầm, bởi trẻ ăn uống quá nhiều chất đạm, thiếu khoa học, ít rau, ít vận động sẽ nhanh chóng tăng cân và béo phì. Thậm chí, nhiều bậc cha mẹ không biết con đang thừa cân, béo phì do không nhận biết được các dấu hiệu ban đầu.

Theo PGS.TS Bùi Thị Nhung, béo phì là dấu hiệu khi trẻ tăng cân nhiều hơn so với chuẩn tăng trưởng của Tổ chức Y tế thế giới là từ 1,5 đến 2,5 kg/năm. Nếu trẻ tăng nhiều hơn mức này và có xu hướng thích ăn, ăn nhiều hơn, cha mẹ nên theo dõi chiều cao, cân nặng thường xuyên để xác định xem trẻ có nguy cơ thừa cân, béo phì không. Đồng thời, cần so với trung bình chiều cao trong chuẩn tăng trưởng để biết chính xác trẻ thừa bao nhiêu cân. Từ đó, đưa ra các điều chỉnh chế độ ăn uống, luyện tập thích hợp hoặc đưa trẻ đi khám tư vấn dinh dưỡng.

Cân đối khẩu phần ăn, tăng cường hoạt động thể chất

Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, tình trạng thừa cân, béo phì kéo dài khiến cơ thể mất cân đối, nặng nề, chậm chạp, đi lại khó khăn, trẻ dễ mắc bệnh trầm cảm, tự ti, khó hòa nhập cộng đồng... “Trẻ thừa cân, béo phì có nguy cơ cao bị rối loạn chuyển hóa lipid máu và tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm khi trưởng thành như bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ... Trẻ béo phì còn có nguy cơ rối loạn chuyển hóa đường và mắc đái tháo đường type 2. Một số nghiên cứu cho thấy trẻ béo phì có nguy cơ dậy thì sớm hơn trẻ có tình trạng dinh dưỡng bình thường”, PGS.TS Bùi Thị Nhung tư vấn.

Theo đó, để hạn chế những ảnh hưởng xấu về cả sức khỏe thể chất và tinh thần khi trẻ thừa cân, béo phì, phụ huynh nên đưa con đi khám để được tư vấn về chế độ ăn và luyện tập giúp trẻ kiểm soát cân nặng tốt hơn.

Đồng thời, cần có những điều chỉnh bước đầu bằng cách theo dõi và đánh giá xem trẻ có đang ăn nhiều hơn so với nhu cầu khuyến nghị không, dựa trên tháp dinh dưỡng cho trẻ em theo lứa tuổi của Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Nếu trẻ đang ăn nhiều hơn so với nhu cầu khuyến nghị, cha mẹ cần điều chỉnh về lượng ăn phù hợp theo lứa tuổi.

Lời khuyên từ PGS.TS Bùi Thị Nhung dành cho cha mẹ là cần xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh, cả về ăn uống và vận động để giúp con giảm cân và kiểm soát cân nặng hợp lý, đồng thời phát triển chiều cao, trí não toàn diện.

Cụ thể, cho trẻ ăn đúng giờ, không bỏ bữa nhất là bữa ăn sáng và hạn chế ăn sau 20h. Ăn nhiều hơn vào bữa sáng, bữa trưa và giảm hơn vào bữa chiều, tối. Không cho trẻ ăn nhiều quá, lượng thực phẩm mỗi bữa ăn phải phù hợp với tuổi. Có thể thay thế một phần hoặc toàn bộ gạo trắng bằng gạo lứt, gạo lật nảy mầm để giúp trẻ kiểm soát cân nặng tốt hơn. Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau.

Việc bổ sung sữa cho trẻ thừa cân, béo phì cũng nên được duy trì, do sữa chứa nhiều vitamin và khoáng chất như vitamin B2, B12, D, canxi, kali, selen, phốt pho... hỗ trợ cho sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ. Tuy nhiên, nên cho trẻ uống sữa không đường, ít béo.

PGS.TS Bùi Thị Nhungcũng khuyến nghị, phụ huynh cần tập cho trẻ thừa cân, béo phì thói quen hoạt động thể lực hàng ngày 30-60 phút: Chạy, đá bóng, đạp xe và bơi. Cha mẹ nên tập cùng với trẻ để theo dõi và khuyến khích con hoạt động.

Ngoài ra, khi đến các nơi vui chơi công cộng, khuyến khích trẻ chơi các trò chơi làm tăng tiêu hao năng lượng như cầu trượt, leo dây và chơi trong nhà bóng. Khi ở nhà, để hạn chế thời gian ngồi xem tivi, video và trò chơi điện tử, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ làm các công việc nhà như dọn dẹp nhà cửa, góc đồ chơi của trẻ và gấp quần áo.