Bắt đầu từ năm 2017, Hà Nội đã triển khai phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia tại 30 quận, huyện, thị xã. Đến nay, sau mời thời gian áp dụng và nâng cấp, điều chỉnh để phù hợp thực tiễn, ứng dụng công nghệ thông tin này đã cho thấy nhiều lợi ích.

Hơn 20 năm gắn bó với công tác y tế cơ sở, chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Trạm Y tế phường Xuân La, Quận Tây Hồ, cảm nhận rất rõ sự thay đổi trong thời gian qua.

"Ngày xưa tôi phải dùng khoảng 17 quyển sổ tiêm chủng khác nhau, gồm: 5 quyển cho đối tượng từ 1-5 tuổi, sổ chết sơ sinh, sổ giám sát dịch, số giám sát sau tiêm, sổ dự kiếm tiêm của phụ nữ, sổ thực tiêm uốn ván… Công việc chỉ có quanh vào viết sổ sách rồi làm báo cáo là hết ngày nhưng giờ trên phần mềm có thể trích xuất tổng hợp rất đơn giản", chị Nguyệt nói.

Dẫn chứng cụ thể chỉ bằng một vài thao tác đơn giản trên máy tính, chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt đưa ra thông tin về một công dân vừa chào đời và ngay lập tức đã được cập nhật thông tin trên hệ thống.

"Ví dụ như một bạn mới sinh ngày 25/9/2024 hiện nay đã có trên hệ thống và chúng tôi sẽ chờ đủ thời gian mời bạn ý đến tiêm vaccine phòng lao. Hoặc như bạn Tuệ An này thì đã tiêm một mũi viêm gan B ở Bệnh viện phụ sản Hà Nội thì trong tháng này cũng sẽ ra trạm tiêm phòng lao sơ sinh", chị Nguyệt chia sẻ.

Như vậy, thay vì trước đây đến từng ngõ, gõ từng nhà thì nay, mỗi tháng 2 lần, trước ngày tiêm chủng 3 ngày thì các nhân viên y tế tại phường Xuân La rà soát xem trẻ nào đến thời gian tiêm thì sẽ gọi điện cho bố mẹ nhắc lịch.

Trẻ thực hiện tiêm chủng ở bất kỳ điểm tiêm nào cũng đều có thể cập nhật trên phần mềm. Vì thế, sẽ không bị sót mũi tiêm. Và nếu trong trường hợp mất sổ tiêm, thì từ mã định danh của trẻ có thể tìm thấy thông tin trên hệ thống để biết trẻ đã tiêm những vaccine nào và khoảng cách ra sao.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý y tế là một xu thế tất yếu trong quá trình phát triển. Đặc biệt trong điều kiện dân số đông đúc và nhiều di biến động như thành phố Hà Nội. Và việc ứng dụng phần mềm tiêm chủng có thể quản lý, theo dõi quá trình tiêm chủng ngay từ khi sinh ra, cung cấp thông tin cần thiết về tiêm chủng cho người dân. Ngoài ra, phần mềm còn có thể quản lý tổng thể, toàn diện công tác tiêm chủng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tiêm chủng.

Chị Trần Thị Ánh Nguyệt, Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết: phần mềm đã thay thế toàn bộ việc thống kê thủ công trước đây, giúp cho việc cải cách hành chính, quy trình trở nên nhanh gọn. Đối với một nhân viên y tế cơ sở, công việc thống kê thường tốn rất nhiều thời gian và dễ xảy ra sai sót.

"Để có số liệu, chúng tôi phải cộng số lượng từng cháu một, rồi để tính tỷ lệ tiêm chủng cũng phải cộng từng dòng, rồi mới chia cho tổng số trẻ trên địa bàn", chị Nguyệt nói về khó khăn trước đây.

Việc thống kê chính xác bằng phần mềm, cũng giúp cho những kế hoạch, đề xuất từ cơ sở lên cấp trên được sát với thực tế và chủ động về nguồn vaccine.

Với 10 phân hệ và 166 chức năng, phần mềm tiêm chủng quốc gia đã thay thế hoàn toàn báo cáo giấy giúp giảm chi phí, thời gian, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở. Cán bộ y tế nắm được tình hình tiêm chủng trên địa bàn mình phụ trách nhằm phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai các hoạt động tiêm chủng một cách kịp thời, khoa học, linh hoạt và hiệu quả.

Qua đó phát hiện được trẻ chưa được tiêm đủ mũi; những phường, tổ có tỷ lệ tiêm chủng thấp để có sự nhìn nhận một cách chính xác về tỷ lệ bao phủ tiêm chủng và triển khai ngay các hoạt động hỗ trợ, vận động người dân tham gia nhằm tạo hiệu quả cao nhất cho công tác tiêm chủng phòng bệnh. Và một trong những minh chứng cho hiệu quả của công tác tiêm chủng, chính là sự tin tưởng của người dân trện địa bàn.

Xin mời nghe bài viết tại đây: