Khoảng 70-80% bệnh nhân ung thư phổi đến Bệnh viện Chợ Rẫy ở giai đoạn 3 hoặc 4 - TS.BS Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy, nói tại Hội nghị khoa học Hoàn Mỹ, ngày 9/12.

Theo TS.BS Lê Tuấn Anh, ung thư phổi có tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ hai ở Việt Nam sau ung thư gan, tính chung cả hai giới, theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (GLOBOCAN). Trong năm 2020, Việt Nam ghi nhận hơn 26.000 ca mắc mới và hơn 23.700 trường hợp tử vong do ung thư phổi.

Hiện các nhà khoa học thế giới đang giới thiệu hàng loạt kết quả điều trị hiệu quả cao, có thể áp dụng tại Việt Nam.

Về các điều kiện trong nước, hiện chúng ta đã có xét nghiệm giải trình tự gene thế hệ mới, giúp tìm ra những đột biến gene của từng người. Từ đó, bác sĩ sẽ chọn lựa những thuốc tốt nhất cho đột biến gene, giúp cá thể hóa điều trị, mang lại hiệu quả cao.

Tuy nhiên khó khăn hiện nay là vấn đề tài chính của bệnh nhân. "Nhiều thuốc mới về Việt Nam chưa thể được duyệt ngay trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả, đòi hỏi bệnh nhân phải tự bỏ tiền ra, là gánh nặng với nhiều người", bác sĩ Lê Tuấn Anh cho biết.

Ung thư phổi đến nay chưa có giải pháp phát hiện sớm hiệu quả trên quy mô cộng đồng, mà phụ thuộc vào việc chủ động đi tầm soát của từng cá nhân.

Các bác sĩ khuyến cáo mọi người cần khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là những người có thói quen hút thuốc lá, giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, nhằm điều trị rốt ráo, triệt để hơn. Có thể tầm soát ung thư phổi bằng chụp X-quang phổi, xét nghiệm tìm tế bào ung thư từ chất đàm, chụp cắt lớp điện toán (CT scan) ngực.