Khớp cắn ngược gây ra nhiều ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe

Theo TS TS-BS Nguyễn Phú Hòa – Giám đốc Trung tâm Nha khoa Phú Hòa (địa chỉ 484 đường Trần Khát Chân, Hà Nội), khớp cắn ngược là tình trạng hàm răng trên ở phía trong so với hàm răng dưới.

Khớp cắn ngược thường có 3 dạng như sau:

-Khớp cắn ngược do răng hay còn gọi là khớp cắn ngược chức năng biểu hiện là hàm răng dưới sai vị trí, chờm ra phía trước. Kiểu lệch lạc này xương vẫn bình thường nên tiên lượng điều trị rất tốt. Nếu tiến hành điều trị sớm, đặc biệt ở độ tuổi 6 – 12 tuổi thì sau này hàm răng phát triển bình thường.

- Khớp cắn ngược do xương có thể phát hiện sớm ở giai đoạn răng sữa. Hình ảnh thấy được ở người bị khớp cắn ngược do xương là khuôn mặt lõm với hàm răng trên ở phía trong so với hàm răng dưới và mức độ lõm càng gia tăng có thể gây khớp cắn hở phía trước.

- Khớp cắn ngược do cả răng và xương: Trường hợp này tương đối nặng và tiên lượng điều trị khó. Bởi có thể do hàm trên kém phát triển, hàm dưới phát triển quá mức hoặc hàm trên bình thường, hàm dưới phát triển quá phát hay do cả hai hàm đều hô ra phía trước, nhưng hàm dưới thì nhô ra mạnh hơn.

Khớp cắn ngược gây ảnh hưởng rất nhiều đến vẻ đẹp của khuôn mặt. Mặc dù việc nhìn trực diện sẽ khó thấy, nhưng tình trạng khớp cắn ngược tiến triển nặng hơn sẽ khiến khuôn mặt của bạn thay đổi hoàn toàn: mặt hình lưỡi cày, tổng thể khuôn mặt bị mất cân đối, gãy khúc. Trầm trọng hơn, da bạn sẽ bị lão hóa nhanh do hàm dưới chìa hẳn ra ngoài làm da mất tính đàn hồi, giãn mỏng và suy yếu.

Khớp cắn ngược có thể gây ra các bệnh lý về răng, tăng nguy cơ làm tổn thương men răng do sự sai lệch trong cấu trúc xương hàm và răng. Từ đó, dẫn đến hậu quả răng bị mòn và khó vệ sinh răng miệng. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn để hình thành nên bệnh lý sâu răng.

Một trong số ảnh hưởng trầm trọng của khớp cắn ngược là chứng rối loạn khớp thái dương hàm. Tình trạng này dẫn đến rối loạn cơ khớp liên quan đến hoạt động của hệ thống nhai và gây cảm giác đau, chẳng hạn như đau đầu, đau tai và khó chịu khi mở hoặc đóng hàm.

Việc lệch lạc khớp cắn có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn. Nặng nề hơn, tình trạng này có thể làm rối loạn gây khó thở khi ngủ, thở bằng miệng thậm chí là ngưng thở khi ngủ và người bệnh ngáy nhiều hơn. Nguyên nhân chủ yếu là do hàm trên nhỏ bất thường, hình thành sự tắc nghẽn trong đường thở.

“Do đó, cần điều trị chứng khớp cắn ngược càng sớm càng tốt nhằm tránh để lại hậu quả nguy hiểm cho sức khỏe” – BS Nguyễn Phú Hòa đưa ra lời khuyên.

Các phương pháp điều trị khớp cắn ngược

Theo BS Nguyễn Phú Hòa, điều trị khớp cắn ngược có nhiều phương pháp, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra. Với mỗi trường hợp sẽ có những phương pháp can thiệp khác nhau và người bị khớp căn ngược nên đi khám chuyên khoa chỉnh hình răng để được bác sĩ tư vấn, lựa chọn cách thức điều trị hiệu quả.

Nếu khớp cắn ngược do răng thì phương pháp điều trị tối ưu và hiệu quả nhất là niềng răng. Các bác sĩ sẽ tiến hành niềng răng bằng các vật liệu chỉnh nha chuyên dụng như mắc cài, dây cung hoặc khay trong suốt để tác động lực lên răng, di chuyển răng đến vị trí mong muốn.

Với khớp cắn ngược do xương hàm trên có xu hướng kém phát triển mức độ nhẹ các bé có thể đeo khí cụ ngoài mặt Face mash và hàm chức năng tháo lắp đeo trong miệng để kích thích sự phát triển của xương hàm trên (máng trượt, Myobrace...). Khí cụ này cũng giống như khí cụ tháo lắp đòi hỏi sự tuân thủ tuyệt đối của các bé về chế độ thời gian đeo. Khí cụ này chỉ được sử dụng tốt nhất là thời điểm trước khi các bé dậy thì, thường là trước 12-13 tuổi.

Nếu khớp cắn ngược do xương thì người bệnh có thể cần phẫu thuật để đưa hai hàm khớp lại với nhau. Tuy nhiên, phương pháp này yêu cầu người bị khớp cắn ngược phải trong độ tuổi từ 18 tuổi trở lên. Khi đó, xương hàm ổn định hoàn toàn, không còn phát triển nữa thì phẫu thuật sẽ cải thiện được.

Trong trường hợp khớp cắn ngược do cả xương và răng thì các bác sĩ sẽ kết hợp cả niềng răng và phẫu thuật. Tuy nhiên, phương pháp được lựa chọn trước là phẫu thuật khung xương hàm, đưa xương hàm trở lại bình thường. Sau giai đoạn hậu phẫu là khoảng thời gian hồi phục rồi tiếp tục tiến hành niềng răng. Bạn sẽ phải trải qua một quá trình điều trị dài hạn, bởi tình trạng này vô cùng phức tạp, nhưng thành quả thu về lại vô cùng xứng đáng với những gì phải bỏ ra.