Hen phế quản là bệnh hô hấp mạn tính phổ biến. Theo PGS.TS Hoàng Thị Lâm – Khoa Dị ứng miễn dịch và da liễu, Bệnh viện E Hà Nội, thời tiết mới vào mùa đông nhưng số bệnh nhân đến khám và điều trị do tái phát cơn hen cấp đã tăng.

“Thời tiết lạnh, nhiệt độ trong ngày thay đổi liên tục, sáng lạnh, trưa nóng, tối lại lạnh là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến bệnh nhân hen phế quản, đặc biệt đối với người nhạy cảm với yếu tố môi trường, thời tiết. Hơn nữa vào mùa đông, các virus, vi khuẩn phát triển dễ gây ra những đợt cấp của bệnh hen phế quản” - PGS.TS Hoàng Thị Lâm nhấn mạnh.

Ngoài ra, các yếu tố khác như cơ địa người bệnh mắc các bệnh viêm mũi dị ứng, viêm da, viêm kết mạc… hoặc dị ứng với các dị nguyên đường hô hấp như khói, bụi, gián, phấn hoa, nấm mốc, lông chó, lông mèo… cũng là nguyên nhân khiến cơn hen phế quản khởi phát.

PGS.TS Hoàng Thị Lâm cho biết, hiện nay, ở nước ta, thuốc điều trị hen rất tốt nhưng lại không thể phát huy được hết công dụng đối với bệnh nhân hen. Lý do là phần lớn người bệnh khi điều trị ổn định thường không tái khám. Có những bệnh nhân quay lại nhưng sau đó lại bỏ thuốc, không điều trị tiếp và những lần sau cơn hen tái phát thường nặng hơn những lần trước.

Thuốc dự phòng cơn hen thường ở dạng xịt, dùng để kiểm soát, giảm nguy cơ xảy ra cơn hen cấp tính và được sử dụng đều đặn hằng ngày ngay cả khi hoàn toàn không có triệu chứng gì. Nhưng thực tế, nhiều bệnh nhân không biết cách sử dụng, xịt không đúng khiến thuốc vào phổi không được bao nhiêu khiến thuốc giảm tác dụng. Đây cũng là nguyên nhân khiến bệnh nhân thấy nản, không sử dụng thuốc nữa và dẫn đến kiểm soát cơn hen kém.

Theo thống kê, ở nước ta có khoảng gần 4 triệu người mắc bệnh hen suyễn, chi phí điều trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng, chi phí bằng cả hai căn bệnh thế kỷ là lao và HIV/AIDS cộng lại. Vì vậy, bệnh nhân cần kiểm soát tốt cơn hen để giảm nguy cơ tử vong, sống an toàn với căn bệnh này và giảm chi phí điều trị.

Trong thời tiết lạnh như hiện nay, khi ra đường, người bị bệnh hen nên đeo khẩu trang, tránh xa các dị nguyên có thể gây khởi phát cơn như: phấn hoa, lông súc vật, bụi nhà, nấm mốc, khói thuốc, tránh dùng các thức ăn hoặc thuốc gây dị ứng, phòng tránh, điều trị triệt để các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, giữ cho nhà cửa khang trang, sạch sẽ… Khi có dấu hiệu khó thở, thở nhanh thì nên đến ngay bệnh viện để kiểm tra.