Bệnh nhân là ông Đỗ Văn Thành, 86 tuổi ở phố Lò Đúc, TP HN. Ông Thành được gia đình đưa đến cấp cứu tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng mệt mỏi, đau ngực, choáng váng. Sau khi siêu âm tim cho bệnh nhân, các bác sĩ phát hiện ông bị thoái hóa van tim, khiến 2 lá van không đóng kín, dẫn đến biến chứng phù phổi cấp, rối loạn nhịp tim.
12 năm trước, ông Thành đã từng được các bác sĩ thay van tim sinh học để điều trị bệnh hở van 2 lá. Van được thay hiện đã thoái hóa, bắt buộc phải mổ lại để thay van mới.
Đứng trước một bệnh nhân cao tuổi, để thực hiện ca mổ mới trên nền ca mổ cũ gặp rất nhiều khó khăn. Bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Các bác sĩ ở Viện Tim mạch – BV Bạch Mai đã quyết định phối hợp với chuyên gia nước ngoài thực hiện thủ thuật thay van 2 lá qua đường ống thông-đây là một kỹ thuật mới và Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị đầu tiên triển khai.
"Phương pháp này rất cải tiến, có thể thay van 2 lá qua da cho bệnh nhân trên nền đã thay van tim sinh học từ trước. Để thực hiện được kỹ thuật này các bác sĩ làm can thiệp sẽ phải đưa 1 van nhân tạo qua đường tĩnh mạch bẹn vào trong buồng tim, chọc qua vách liên nhĩ để tiếp cận với van 2 lá sau đó phải đánh giá rất kỹ vị trí để thả van mới và để thả được chính xác van thì cần đảm bảo được đúng chức năng và an toàn cho người bệnh" - ThS.BS Đỗ Doãn Bách - Khoa C3, Viện Tim mạch VN cho biết.
Đây là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, giảm đau đớn và biến chứng sau mổ, giúp bệnh nhân cao tuổi như ông Thành nhanh phục hồi hơn. Để thực hiện thành công và an toàn cho người bệnh, ekip thực hiện kỹ thuật bao gồm bác sĩ tim mạch, bác sĩ siêu âm, gây mê, hồi sức...phải phối hợp với nhau rất thành thục.
Cũng theo ThS.BS Đỗ Doãn Bách, phương pháp này phù hợp để áp dụng trên những bệnh nhân cao tuổi, đã từng thay van sinh học. Van mới sau khi được đưa vào qua đường ống thông sẽ nở đều, khít với vòng van cũ, khắc phục được tình trạng hở van tim. Đặc biệt, trong suốt quá trình can thiệp, tim vẫn làm việc bình thường mà không cần đến sự hỗ trợ của máy trợ tim - phổi.
Chỉ vài giờ sau khi thực hiện thủ thuật, chức năng tim của bệnh nhân cũng gần như hồi phục hoàn toàn. Với ông Thành, ngay sau khi tỉnh lại đã có thể đi lại, ăn uống, sinh hoạt bình thường.
Van tim sinh học là loại van nhân tạo được sử dụng phổ biến trong phẫu thuật thay van tim. Ưu điểm của loại van này là người bệnh không phải dùng thuốc chống đông máu sau khi phẫu thuật. Tuy nhiên, sau khoảng từ 8-15 năm, van sinh học sẽ bị thoái hóa và bệnh nhân cần phải phẫu thuật lại để thay van tim mới. Tuy nhiên, không phải cuộc mổ lại nào cũng có thể tiến hành thuận lợi-nhất là với bệnh nhân đã lớn tuổi như ông Thành.
Việc triển khai thành công kỹ thuật thay van 2 lá qua đường ống cho những bệnh nhân cao tuổi bị thoái hoá van tim nhân tạo sinh học sẽ giúp cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh tim không còn phải ra nước ngoài để điều trị.