Những bước chân không mỏi

Những ngày cuối năm, trong cái rét tê người, từ thành phố Sơn La chúng tôi vượt cung đường gần 40km vào huyện Mường La để gặp gỡ các y, bác sỹ của Bệnh viện Quân y 6, Cục Hậu cần, Quân Khu 2 đang triển khai công tác khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn.

Tại Trung tâm Điện lực huyện Mường La, đại úy Hoàng Ngọc Hải, Bác sỹ Chuyên khoa 1, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 6 cho biết, năm nào cũng vậy, Bệnh viện đều có kế hoạch hành quân đi khám tuyến, đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên của Công ty Điện lực Sơn La, Công ty Thủy điện Lai Châu, Công ty thủy điện Nậm Chiến và bà con nhân dân có nhu cầu.

Mỗi đợt thăm khám đều đảm bảo các nội dung: khám tổng quát thông thường, khám ngoại chuyên khoa, cận lâm sàng, huyết học, sinh hóa, chẩn đoán hình ảnh...

“Mỗi chuyến công tác thường kéo dài 2-3 ngày và chúng tôi luôn bố trí lực lượng cán bộ có tay nghề vững chắc, trình độ chuyên môn cao để đảm bảo hoàn thành đúng kế hoạch đề ra” – Đại úy Hoàng Ngọc Hải chia sẻ.

Tỉnh Sơn La có địa hình chia cắt sâu và mạnh, vùng núi chiếm hơn 85%, nhiều thôn, bản có đường xá đi lại khó khăn. Tuy nhiên, điều đó cũng không cản được bước chân của các y, bác sỹ Bệnh viện Quân y 6.

Chỉ riêng năm 2020, đơn vị đã hoàn thành kế hoạch thăm khám ở nhiều xã vùng sâu, vùng xa, trong đó có các xã của huyện Mai Sơn, huyện Bắc Yên. Riêng xã Nậm Mằn, huyện Sông Mã (nằm ở phía tây nam tỉnh Sơn La, nơi có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi các dãy núi cao và giáp biên giới với nước bạn Lào) đã thăm khám 3 đợt với trên 300 lượt người, đồng thời tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con. Ngoài ra, đơn vị còn tặng Trạm y tế xã Nậm Mằn một nhà công vụ trị giá hơn 300 triệu đồng.

Chúng tôi làm việc vì đạo đức, lương tâm ngành y, vì tình quân dân gắn kết

“Mỗi lần hành quân đi khám chữa bệnh, chúng tôi luôn xác định tư tưởng phải hoàn thành tốt nhiệm vụ và coi bà con các dân tộc ở trên này là người thân ruột thịt của mình” – Đại úy Hoàng Ngọc Hải chia sẻ.

Tại những điểm vùng sâu, vùng xa, những bệnh nhân có bệnh lý nhẹ, các y bác sỹ Bệnh viện Quân y 6 trực tiếp khám, cấp thuốc, hướng dẫn và điều trị tại chỗ, nhưng cũng có những trường hợp bệnh lý nặng, cần phải xử lý bằng phẫu thuật như gẫy tay, gẫy chân... do tai nạn khi làm nương, rẫy... các y, bác sỹ sẽ xử lý bước đầu và tạo điều kiện vận chuyển người bệnh lên tuyến trên để xử lý kịp thời.

Đại úy Hoàng Ngọc Hải tiết lộ: “Có những ca khó chúng tôi bắt buộc phải xử lý tại chỗ để giữ tính mạng cho người bệnh”. Đó là câu chuyện xảy ra tại xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp.

Khi đoàn đang thăm khám tại Trạm y tế xã thì bất ngờ có mấy người dân vẻ mặt hốt hoảng đưa một người phụ nữ đến đề nghị phải cấp cứu ngay: “Người phụ nữ ấy là người Mông, 37 tuổi vì vướng mắc chuyện gia đình nên đã nghĩ quẩn và nhai lá ngón tự tử. Người này có biểu hiện khó thở, suy hô hấp nặng, toàn thân tím tái, chức năng sống cực kỳ mỏng manh mà đường lên bệnh viện huyện thì xa, nếu không được cấp cứu kịp thời e rằng rất khó giữ được tính mạng” – Trung úy Đào Mạnh Hưng, Kỹ thuật viên Khoa xét nghiệm nhớ lại.

Sau khi hội ý nhanh, các y, các sỹ Bệnh viện Quân y 6 quyết định tiến hành rửa dạ dày cho người bệnh ngay tại chỗ, tuy nhiên, trạm y tế xã lại không có dụng cụ chuyên dụng để xử lý việc này. “Cái khó ló cái khôn”, các y, bác sỹ Bệnh viện Quân y 6 quyết định sử dụng 2 chiếc xi lanh loại 20 và 50 cùng với dây truyền đặt qua đường mũi vào thẳng dạ dày để hút chất độc ra và bơm nước sạch vào.

“Gọi là đặt xông dạ dày chứ đúng ra không phải là xông” – Trung úy Đào Mạnh Hưng cười hiền - “Chúng tôi cứ hút và bơm liên tục gần 1 tiếng đồng hồ thì bệnh nhân có dấu hiệu hồi phục và mạch đập ổn định trở lại. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện huyện tiếp tục điều trị và vài ngày sau thì được ra viện, trở lại cuộc sống bình thường. Lúc đó, chúng tôi chỉ nghĩ duy nhất một điều là bằng mọi giá phải cứu sống được bệnh nhân. Đó không chỉ là đạo đức ngành y mà còn là lương tâm, là trách nhiệm của người lính Cụ Hồ”.

Ở Bệnh viện Quân y 6, các cán bộ, chiến sỹ quê quán, gia đình đa phần đều ở dưới xuôi nhưng có người đã gắn bó với mảnh đất Sơn La cả chục năm trời.

“Chúng tôi công tác trong ngành y và là một người quân nhân thì cũng đã xác định tư tưởng lấy binh lập nghiệp. Ở đâu cũng là quê hương mình cả, miễn sao hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó cũng như làm tròn trách nhiệm, bổn phận với gia đình”. Đại úy Hoàng Ngọc Hải chia sẻ.

Trong những ngày cận Tết nguyên đán Tân Sửu, khi hoa đào đã nở rộ, những chồi non bắt đầu khoe sắc thì các cán bộ, chiến sỹ Bệnh viện Quân y 6 vẫn đang nỗ lực từng ngày để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân vui Xuân, đón Tết, góp một phần công sức vào Mùa Xuân lớn của đất nước.