PGS.TS Đào Việt Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm nội soi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, ngộ độc thực phẩm xảy ra do sử dụng thức ăn, đồ uống bị nhiễm vi sinh vật, hóa chất hoặc do bản thân thực phẩm có độc tố tự nhiên. Ngộ độc thực phẩm, ở mức độ nặng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, mức độ nhẹ cũng khiến cho bệnh nhân đau bụng, tiêu chảy, chán ăn, khó tiêu, mệt mỏi…

Khi bị ngộ độc thực phẩm, hệ tiêu hóa là cơ quan bị ảnh hưởng đầu tiên và trực tiếp, người bệnh thường có biểu hiện rối loạn tiêu hóa dai dẳng vì niêm mạc đường ruột bị tổn thương, bị viêm, hệ vi sinh vật đường ruột đang ở trạng thái cân bằng cũng bị rối loạn. Tình trạng này thường xảy ra trong một vài ngày, tuy nhiên, có trường hợp kéo dài đến vài tuần hoặc vài tháng.

“Sau khi bị ngộ độc thực phẩm, bệnh nhân nên chú ý lựa chọn những thực phẩm dễ tiêu, dễ hấp thu, tránh tạo thêm gánh nặng cho hệ đường ruột. Người bệnh nên ăn chín, uống sôi, không ăn thực phẩm quá nhiều đạm hoặc nhiều dầu mỡ, chất béo vì hệ vi sinh đường ruột chưa phục hồi được như cũ và cơ thể cũng chưa hấp thu được lượng đạm lớn. Đồng thời, người bệnh nên uống nước, chú ý dùng các loại nước sạch, hợp vệ sinh như nước đun sôi, nước đóng chai, không nên dùng nước trực tiếp từ vòi. Bệnh nhân nên tránh sử dụng các loại thức uống có chứa chất kích thích như bia rượu, cà phê…”- PGS.TS Đào Việt Hằng hướng dẫn.

Do cơ thể đã mất rất nhiều chất lỏng, dinh dưỡng và chất điện giải do nôn và tiêu chảy vì ngộ độc, nên người bệnh cần được bổ sung dinh dưỡng và nước cho cơ thể bằng soup, cháo loãng, nước canh hay nước hầm, các loại trái cây dễ tiêu như chuối, táo...

Sau khi ngộ độc thực phẩm, bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng chán ăn, khó tiêu. Để khắc phục triệu chứng này, PGS-TS Đào Việt Hằng khuyên bệnh nhân nên sử dụng một số chế phẩm giúp cân bằng lại hệ vi sinh đường ruột như men tiêu hóa, sữa chua. Trong sữa chua chứa một lượng lớn vi khuẩn đường ruột có lợi, giúp cải thiện và tăng cường tiêu hóa, đồng thời kích thích sự thèm ăn, giúp ăn ngon miệng hơn, khắc phục chứng chán ăn. Tuy nhiên, nếu bạn thuộc trường hợp không dung nạp sữa, không ăn được sữa chua thì có thể dùng các chế phẩm khác thay thế. Còn nếu dị ứng với sữa tươi nhưng vẫn ăn được sữa chua thì nên sử dụng.

Để tránh tái diễn ngộ độc thực phẩm, bác sĩ Đào Việt Hằng lưu ý bệnh nhân nên cẩn thận hơn trong việc chế biến, bảo quản thực phẩm. Nhất là trong mùa hè nắng nóng như hiện nay, nguy cơ ngộ độc thực phẩm luôn rình rập và rất dễ xảy ra. Dù thức ăn được lưu trữ trong tủ lạnh nhưng mọi người không nên chủ quan mà cần quan sát, kiểm tra để biết thực phẩm có còn an toàn hay không rồi mới sử dụng.