Cách đây 3 hôm, chị Cao Thị Thùy- sống tại Mễ Trì- quận Nam Từ Liêm- HN hớt hải đưa con đến bệnh viện cấp cứu sau khi con trai 11 tháng tuổi gặp phải các biểu hiện đau bất thường và được một phòng khám tư chẩn đoán bé bị lồng ruột.
“Bé ăn vào nôn không ngừng, quấy và khóc, ưỡn hết người ra ăn uống vào đều nôn, nôn cả dịch màu vàng, người cảm giác không còn sức. Bác sĩ cho đi chụp bụng thì phát hiện lồng ruột, bác sĩ giới thiệu vào viện vì chỉ trong viện mới xử lý được, phòng khám thì không thể”- chị Thùy nói.
Khoảng 5 giờ chiều vào bệnh viện, bé Hưng được cấp cứu để tháo khối ruột lồng bằng kỹ thuật bơm hơi kiểm soát bằng siêu âm. Tuy nhiên, do khối lồng của bé chặt và dài nên các bác sĩ phải tiến hành tháo lồng cho bé tới 2 lần.
Ở buồng bệnh bên cạnh, bé Sữa 2 tuổi sống tại phường Định Công- Hoàng Mai cũng được gia đình đưa vào viện cấp cứu sau khi cô giáo ở lớp mầm non thông báo bé bị nôn rất nhiều và đau bụng. Tại bệnh viện, qua siêu âm, các bác sĩ chẩn đoán bé bị lồng ruột.
Như chia sẻ của các gia đình thì không phải ai cũng hiểu rõ lồng ruột ở trẻ nhỏ thực chất là gì cho đến khi con em mình gặp phải. PGS-TS Trần Ngọc Sơn - Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi- PGĐ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn – HN cho biết, lồng ruột là tình trạng phổ biến ở trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.
"Lồng ruột là trạng thái một đoạn ruột chui vào đoạn ruột bên cạnh, thường là xuôi chiều. Khu vực hay xảy ra lồng ruột là đoạn cuối hồi manh tràng. Thống kê, mỗi năm cứ 1000 trẻ dưới 1 tuổi thì có 4 trẻ bị lồng ruột. Thậm chí có trẻ bị lồng ruột tái phát nhiều lần. Bệnh tuy hay gặp nhưng nếu không được điều trị kịp thời thì rất nguy hiểm vì lồng ruột sẽ dẫn đến tắc ruột trẻ sẽ nôn trớ thức ăn. Tiếp đến, trẻ có thể nôn ra dịch vàng, bụng chướng, đau bụng, sau đó, trẻ sẽ bị nhiễm trùng, sốc nhiễm trùng, mất nước, nhiễm độc, hoại tử ruột, viêm phúc mạc và thậm chí tử vong"- PGS-TS Trần Ngọc Sơn chia sẻ.
Các chuyên gia y tế khẳng định, bệnh này cần khám và chẩn đoán kịp thời, còn gia đình thì cần có thái độ tích cực phát hiện sớm và kịp thời đưa trẻ đến viện.
"Lồng ruột ở trẻ cần điều trị càng sớm càng tốt. Không có thống kê chính xác thời gian bị lồng ruột bao lâu thì sẽ hoại tử, điều này phụ thuộc vào mức độ khác nhau của lồng ruột. Nếu lồng ruột không quá chặt thì khoảng một ngày trẻ vẫn bình thường, còn ở trẻ lớn thì thậm chí 2 ngày vẫn chưa có biểu hiện tắc ruột, chỉ đau bụng. Còn với trẻ nhỏ thì chỉ khoảng 6 tiếng đi cấp cứu, ruột đã hoại tử rồi. Do vậy, khuyến cáo cha mẹ trẻ là nên đưa con em đến bệnh viện càng sớm càng tốt" - BS Sơn khẳng định.
Cha mẹ, người chăm sóc có thể nhận biết sớm dấu hiệu lồng ruột ở trẻ nhỏ thông qua các triệu chứng bất thường, tuy nhiên, BS Trần Ngọc Sơn lưu ý các cha mẹ cần đặc biệt sát sao với trẻ vì các dấu hiệu ban đầu rất giống với rối loạn tiêu hóa thông thường.
"Triệu chứng lồng ruột thì không điển hình nhưng cha mẹ cần lưu ý khi trẻ xuất hiện đau bụng cơn, trẻ nhỏ chưa nói được thì hay quấy khóc, hay ưỡn người thường là một cơn vài ba phút, có thể cách nhau 10-15 phút, giữa các cơn thì trẻ lại bình thường, chơi ngoan. Khi thấy trẻ hóc, đau từng cơn, thậm chí thấy nôn thì nên nghi ngờ lồng ruột. Còn ở những trẻ muộn hơn thì nôn, đi ngoài phân máu thì gần như chắc chắn là triệu chứng điển hình của lồng ruột hoặc xoắn ruột thì ngay lập tức cần đến bệnh viện ngay. Tuy các triệu chứng lâm sàng không điển hình nhưng nếu thấy con chưa từng có những dấu hiệu như vậy trước đây thì nên cảnh giác đưa các bé đến cơ sở y tế ngay vì chỉ cần siêu âm thì có thể khẳng định trẻ có bị lồng ruột hay không" - BS Trần Ngọc Sơn nói.
Tuy việc phát hiện sớm và điều trị không quá khó nhưng lồng ruột lại rất dễ tái phát và việc dự phòng không dễ sàng như chia sẻ của PGS- TS- BS Trần Ngọc Sơn.
"Lồng ruột chưa rõ nguyên nhân, trẻ dưới 1 tuổi thì có thể do về giải phẫu sinh lý. Không có cách nào đặc hiệu để phòng tránh. Nhiều gia đình nghi ngờ việc con trẻ chạy nhảy, xóc ruột nên dễ dẫn đến lồng ruột. Tuy nhiên, điều này không chính xác. Có thể thấy sự liên quan khi trẻ bị viêm hô hấp nhiều như viêm hô hấp do adenovirus khiến đồng thời trẻ cũng viêm cả những mảng hạch ở đoạn cuối hồi tràng thì có thể coi đây là giả thuyết gây nên lồng ruột. Vì vậy, hạn chế tình trạng viêm hô hấp thì cũng có thể giảm nguy cơ lồng ruột ở trẻ. Nhưng có những trường hợp, trẻ không viêm hô hấp vẫn có thể bị lồng ruột. Với những trẻ bị lồng ruột tái phát thì có thể loại trừ nguyên nhân thực thể như polyp ruột, nang ruột đôi, túi thừa meckel…còn nếu lồng ruột vô căn thì khó có biện pháp dự phòng. Tuy vậy, nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì lồng ruột sẽ được giải quyết rất nhẹ nhàng"- BS Trần Ngọc Sơn nhấn mạnh.
Mời nghe bài viết tại đây: