Theo thông tin của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú khu vực Tây Bắc, công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người mất tích, lo hậu sự cho người thiệt mạng và cứu chữa người bị thương trong trận lũ quét tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đang được chính quyền địa phương và các lực lượng triển khai khẩn trương, trong điều kiện trời vẫn đổ mưa, bùn, lũ tràn về trên diện rộng, nhiều nơi ngập sâu.

3 kíp cấp cứu thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai, Bệnh viện Sản Nhi và Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Thắng hiện đang cùng bệnh viện địa phương túc trực, cấp cứu người bị thương. Tại thôn Làng Nủ, 1 kíp y, bác sĩ trực, sẵn sàng cấp cứu tại chỗ trước khi đưa các nạn nhân về Bệnh viện huyện điều trị.

Hiện Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên đã tiếp nhận, điều trị 18 nạn nhân, trong đó có 2 ca nặng phải thở máy, các nạn nhân còn lại trong tình trạng chấn thương khác nhau như gãy xương, nội chấn thương, tổn thương vùng da, đặc biệt là sang chấn tâm lý... Ban Giám đốc bệnh viện yêu cầu nhân viên tích cực chăm sóc, giúp đỡ sinh hoạt và ổn định tâm lý cho người bệnh và người nhà bệnh nhân.

Tại tỉnh Yên Bái, các trạm y tế của từng xã, phường cũng trong trạng thái túc trực 24/24 để kịp thời ứng cứu người dân gặp nạn. Do tình trạng ngập sâu nên các y, bác sỹ phải dùng ca nô để di chuyển bệnh nhân trong vụ sạt lở đất từ Trạm Y tế xã Viễn Sơn đến Trung tâm Y tế huyện Văn Yên cấp cứu. Trong quá trình di chuyển, do chấn thương nặng, nạn nhân đột ngột ngừng tim, rơi vào tình trạng lơ mơ, gọi hỏi không trả lời. Ekip y, bác sỹ đã gồng sức ép tim hồi sức khẩn cấp ngay trên ca nô để giữ mạng sống của bệnh nhân.

Ngày 11/9, đại diện kíp y tế cho biết: "Ca nô chạy giữa nước lũ cuồn cuộn nên bị rung lắc, chúng tôi phải cố dùng hết sức bình sinh để ép tim bệnh nhân".

Lúc này, cơ thể bệnh nhân và nhân viên y tế ướt sũng, người bệnh chảy nhiều máu. Sau 5 phút, tim bệnh nhân đập trở lại, thoát khỏi tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân sau đó đến Trung tâm Y tế huyện Văn Yên trong tình trạng đau đầu nhiều, chân tay lạnh, huyết áp giảm. Bác sĩ dùng thuốc chống sốc, chống nhiễm khuẩn, xét nghiệm chuyên sâu để đánh giá mức độ tổn thương. Kết quả chẩn đoán bệnh nhân sốc chấn thương, vỡ xương chậu, vết thương phức tạp hậu môn - trực tràng, chuyển lên tuyến trên tiếp tục điều trị.

Tại Tuyên Quang, mực nước vẫn tiếp tục lên, gây ngập úng tại các vùng trũng, thấp và lũ quét trên các sông suối, sạt lở đất trên sườn dốc, nhiều bệnh viện ngập sâu. Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc ở trong vùng trũng nên bị ngập rất nhanh và rất sâu.

Trưa qua, đơn vị tiếp nhận sản phụ mang thai 39 tuần ngôi ngược, được chở bằng ca nô vượt lũ vào viện. Sau khi thăm khám, bác sĩ chỉ định mổ. Tuy nhiên, cáng vừa đẩy vào phòng thì đột ngột mất điện. Hơn 10 bác sĩ vật lộn trong không gian tối, dùng đèn pin điện thoại để thắp sáng dù thiếu thốn nhiều vật dụng. Sau 10 phút, bé trai 3 kg chào đời khỏe mạnh, đơn vị tiếp tục tiếp nhận nhiều ca chuyển dạ, "may mắn đều thuận buồm xuôi gió".

Bác sĩ Nguyễn Văn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc, cho biết đơn vị đang cố gắng khắc phục sớm để không ảnh hưởng đến công tác chữa bệnh. "Lũ ngập, bệnh viện vẫn đảm bảo chăm sóc và tiếp nhận người bệnh", bác sĩ Cảnh nói.

Huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ đã xảy ra mưa lớn kết hợp với nước từ thượng nguồn đổ về, khiến mực nước sông Thao dâng nhanh, gây ngập lụt tại nhiều địa phương. Bác sĩ Phan Quốc Hưng, Giám đốc Trung tâm Y tế Hạ Hòa, cho biết nước ngập hết đường vào bệnh viện, gây khó khăn cho việc di chuyển bệnh nhân. Đơn vị đã thiết kế cầu và thuyền di chuyển để đón bệnh nhân vào viện an toàn. Hiện, trung tâm điều trị cho 170 bệnh nhân, các thiết bị máy móc được sơ tán kịp thời, không bị ảnh hưởng.

Tại Cao Bằng, Trung tâm y tế huyện Nguyên Bình phối hợp với Bệnh viện đa khoa tỉnh để điều trị và ứng cứu tai nạn do sạt lở sau bão. Hiện, đơn vị tiếp nhận điều trị 6 nạn nhân, trong đó ba ca điều trị tại chỗ, ba ca chuyển lên bệnh viện tỉnh.

Trong hai ngày 7-8/9, các bệnh viện ở tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận điều trị 357 ca tai nạn do bão, 3 trường hợp tử vong. Trong đó 18 ca đa chấn thương nặng, 6 ca chấn thương sọ não, 19 trường hợp gãy xương và hơn 300 ca chấn thương phần mềm khác. Các y bác sĩ đã nỗ lực vừa chống bão, vừa đảm bảo cấp cứu điều trị cho bệnh nhân.