Bác sỹ loay hoay để sống được với nghề

Từng công tác ở trạm y tế phường một quận lớn tại TP.HCM, cũng từng cùng các đồng nghiệp lăn xả trong cuộc chiến chống lại Covid-19 để mang lại bình yên cho thành phố, trong cuộc đời làm nghề của mình chưa bao giờ bác sĩ K. nghĩ rằng, có một ngày chỉ vì lương không đủ sống mà phải dứt áo ra đi.

“Em nghỉ làm việc ở trạm từ đầu năm rồi, kiếm chỗ khác làm vì thu nhập thấp quá”, bác sỹ K chia sẻ.

6 năm ngồi ghế giảng đường đại học, cộng với gần chục năm công tác ở trạm y tế phường, bình quân mỗi tháng, bao gồm cả lương và phụ cấp bác sĩ K. được khoảng 10 triệu đồng. Anh nói rằng, sống ở TP được ví là năng động nhất cả nước, số tiền ấy chẳng thấm tháp vào đâu.

2 năm dịch bệnh đặc biệt là đợt dịch năm ngoái, những cán bộ y tế như bác sỹ K. không ngày nào người ráo mồ hôi, vậy mà thu nhập vẫn vỏn vẹn...chỉ có thế. Lựa chọn ra đi để đến một nơi mà điều kiện công tác và thu nhập tốt hơn, bác sĩ K. vẫn mong muốn sẽ sớm có sự thay đổi để những đồng nghiệp của anh đang trụ lại bớt cực hơn và quan trọng là sống được với nghề.

Trong tâm dịch Covid-19 hồi tháng 8, tháng 9 năm ngoái, phóng viên VOV2 đã từng có mặt ở TTYT quận 7 TP.HCM, chứng kiến tinh thần làm việc không biết mệt mỏi và ý chí kiên cường của tất cả các nhân viên y tế ở đây. Vậy mà ngày hôm nay liên lạc lại, tinh thần ấy dường như đang bị lung lay. Câu trả lời duy nhất cho câu hỏi về nhân lực y tế là: Ở đâu bây giờ cũng thiếu hết.

Không chỉ thiếu mà đời sống y bác sĩ ở hệ thống y tế công lập dù là ở đâu cũng khó khăn cả. Chúng tôi đã không khỏi ngỡ ngàng khi nghe thông tin từ BS Nguyễn Giang Binh ở TTYT huyện Nậm Pồ - huyện xa nhất, khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên. Anh cho biết, theo Nghị định 73 trợ cấp công tác phí của nhân viên y tế tuyến cơ sở ở khối dự phòng như anh chỉ được 5 nghìn đồng/ngày và để nhận được số tiền trợ cấp ít ỏi ấy họ phải vượt qua không ít nhọc nhằn.

“Chúng tôi phải đến tận bản, có bản xa gần 30km mà chế độ có thế thôi, rất thấp, không đủ tiền xăng. Chúng tôi thường động viên anh em là làm với tinh thần phục vụ nhân dân thôi, chứ nghĩ đến đồng lương thì…” bác sỹ Binh bỏ dở câu nói.

Bác sĩ Binh đã công tác trong ngành y gần 20 năm qua, tính cả định suất phụ cấp vùng biên giới, tổng thu nhập của anh hiện giờ được hơn 10 triệu đồng/tháng. Anh bảo rằng, nói đủ sống thì cũng đủ, nhưng là đủ trong sự tằn tiện để đảm bảo những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. Đồng nghiệp của anh có những người phải gia tăng thu nhập bằng cách chăn nuôi, bán quần áo, thức ăn, mỹ phẩm online...

Công tác ở vùng sâu, vùng xa là vậy, còn với các đơn vị y tế vùng đồng bằng thì như thế nào? T. - 1 bác sĩ làm việc tại bệnh viện huyện ở tỉnh Thanh Hóa, trong những ngày ra HN theo học sau Đại học tại Bệnh viện Bạch Mai đã phải đăng tải thông tin muốn tìm việc làm bán thời gian để có thêm thu nhập trang trải cho những ngày ăn học ở thành phố. Anh chia sẻ đã công tác ở BV huyện được 9 năm, hiện giờ tổng thu nhập mỗi tháng được xấp xỉ 6 triệu đồng.

Không đủ chi tiêu cho cuộc sống vì mình có gia đình, vợ con. Công tác ở tuyến huyện, không có gì ngoài lương cả nên mong là lương cơ sở đối với bác sỹ được tăng lên”, bác sỹ T. bộc bạch.

Hiện 2 vợ chồng bác sĩ T. vẫn phải ở nhờ tại phòng dành cho nhân viên của bệnh viện và có đôi khi trong những khoảng lặng của cuộc sống, anh vẫn tự hỏi mình: phải làm gì để sống được với nghề?

Lương thấp có phải là lý do duy nhất khiến bác sỹ bỏ việc?

Tình trạng mức lương không đủ sống của nhân viên y tế được cho là đã kéo dài nhiều năm nay. Đã có nhiều kiến nghị, đề đạt, tuy nhiên vẫn chưa được giải quyết. Thế nhưng, vì sao đến thời điểm này, ngay sau khi xảy ra đại dịch Covid-19, khi cả xã hội tôn vinh họ là những người hùng, thì đội ngũ y bác sỹ lại lần lượt dứt áo ra đi, không còn động lực để bám trụ với nghề?

TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, cho rằng: đại dịch Covid-19 với những thách thức chưa từng có với mỗi một nhân viên y tế chính là giọt nước làm tràn ly.

“Sau khi gồng mình chống dịch trong suốt mấy năm trời thì thậm chí đến nay nhiều ý bác sỹ còn chưa được nhận các chế độ phụ cấp chống dịch”, TS Quang chua xót.

Sở Y tế TP.HCM đã in xong giấy khen cho các cá nhân trong đợt phòng chống dịch Covid-19 vừa rồi nhưng hiện vẫn chưa có tiền để thưởng.

"Gọi Ban thi đua thì được trả lời là không có kinh phí, gọi Sở Tài chính thì được trả lời chỉ cấp cho Ban thi đua. Liên lạc lại với Ban thi đua thì nhận được trả lời chỉ cấp kinh phí cho bằng khen chứ không cấp cho giấy khen", Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng lý giải như thế trong một cuộc họp báo cuối tháng 6.

Lương, thưởng, phụ cấp không tương xứng với những cống hiến, công sức mà lực lượng y tế bỏ ra, trong khi đó, công việc áp lực, nguy hiểm và thiếu an toàn.

TS Nguyễn Huy Quang nêu:“Xã hội yêu cầu nhân viên y tế phải cống hiến, nhưng khi xảy ra một tai biến y khoa họ trở thành tội đồ, cả xã hội xâu xé, chửi bới không thương tiếc. Nên họ cảm thấy chông chênh trong nghề nghiệp và đó cũng là lý do khiến nhân viên y tế dứt áo ra đi”.

Những vụ việc tiêu cực của một số cán bộ Bộ Y tế vừa qua đã khiến "đóng băng" gần như hoạt động của toàn bộ ngành y tế. Chính vì thế, đã xảy ra tình trạng thiếu trang thiết bị y tế, thiếu thuốc men do các bệnh viện không dám thực hiện các dự án đấu thầu vì ai cũng sợ sai. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc chăm sóc người bệnh mà ngay cả các y bác sỹ cũng không còn động lực để làm việc.

“Một bác sỹ được ví như là một người chiến sỹ, nhưng chiến sỹ hiện nay có súng mà không có đạn. Bác sỹ muốn cứu người thì phải có thiết bị chẩn đoán đúng bệnh, có thuốc men, trang thiết bị điều trị. Thế nhưng, giờ đây họ bị tước đi vũ khí chiến đấu. Nhiều bác sỹ cứ than trời: nếu như có thuốc này, nếu như có thiết bị kia thì người bệnh đã không tử vong…”, TS Nguyễn Huy Quang nêu thực tế.

Trong khi đó, những nhu cầu này gần như sẽ được đáp ứng ngay lập tức tại các bệnh viện tư nhân.

Trong 10 nghìn nhân viên y tế xin nghỉ việc thời gian qua, có người chuyển hẳn sang lĩnh vực khác nhưng cũng có rất nhiều y bác sỹ chuyển từ khu vực y tế công sang y tế tư nhân. Không chỉ bởi mức lương cao hơn mà môi trường làm việc cũng được cho là thông thoáng, đánh giá thực chất năng lực.

“Môi trường học tập ở y tế công và tư khác nhau. Ở tư nhân chỉ cần bác sỹ có nhu cầu đi học và bệnh viện xác định đây là mũi nhọn thu hút người bệnh thì ngay lập tức sẽ được đào tạo. Còn ở y tế công, sẽ phải xếp hàng từ từ thì mới đến lượt”, TS Nguyễn Huy Quang thẳng thắn đưa ra dẫn chứng.

TS Quang tiếp tục nhận định: “Đó là còn chưa kể khả năng thăng tiến ở trong các cơ sở y tế công lập sẽ rất khó khăn: phải vào diện quy hoạch, được thủ trưởng quan tâm, có đủ văn bằng về chính trị… thì mới được lên chức. Còn nếu ở tư thì chỉ cần năng lực, người bệnh đánh giá tốt, anh sẽ được bổ nhiệm trưởng khoa hoặc phó khoa”.

Con số gần 10 nghìn nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển việc chắc chắn sẽ chưa dừng lại. Hiện tượng này sẽ như một hiệu ứng Domino rất có thể xảy ra tràn lan, trên diện rộng nếu như Chính phủ không kịp thời có những giải pháp ngay lập tức.

Trước mắt, theo TS Nguyễn Huy Quang, cần nhất là biện pháp ổn định tâm lý, tư tưởng các cán bộ, nhân viên ngành y. Tiếp đến là cần phải thanh toán ngay “món nợ” về phụ cấp chống dịch cho đội ngũ này.

Mặc dù đang còn nhiều vướng mắc trong việc đấu thấu thuốc, vật tư y tế, tuy nhiên, các bên cơ quan chức năng cần phải rốt ráo vào cuộc, tìm ra quy trình hợp lý, hợp pháp để dòng vận chuyển thuốc, vật tư y tế không bị ngưng trệ vì bất cứ lý do gì.

Tuy nhiên, về lâu về dài, các đơn vị y tế công lập cũng cần phải xem cơ chế hoạt động, môi trường vận hành, quản trị để chứng tỏ sức hút của mình.

Thời gian qua, chúng ta quan tâm đến sức khỏe nhân dân nhưng lại quên mất một mắt xích quan trọng là nhân viên y tế. Sự lựa chọn của gần 10 nghìn nhân viên y tế âu cũng là lẽ thường. Bởi không ai có thể cống hiến với cái bụng rỗng. Sự tung hô “anh hùng” xét cho đến cùng cũng chỉ là lời nói suông, nếu như không đi kèm với đó là các chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp và sự nhìn nhận đánh giá tương xứng với những đóng góp của lực lượng y tế.