Bà L.T.L. (59 tuổi, ở Yên Bái) cách đây gần chục năm phát hiện bị bệnh Glocom do thói quen sử dụng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid một cách bừa bãi trong một thời gian dài. Rất may, vì được phát hiện sớm nên bà vẫn giữ được đôi mắt của mình.

Bà L. nhớ lại: "Vì môi trường làm việc bụi bặm nên mắt tôi thường xuyên bị ra rỉ nhèm, ngứa mắt, đỏ mắt… Nhưng bận bịu công việc nên tôi cũng không đi khám mà tự ý đến hiệu thuốc mua thuốc về nhỏ. Tôi được nhân viên nhà thuốc bán cho lọ thuốc nhỏ có màu vàng, sử dụng 2 lần mỗi ngày thấy mắt đỡ rất nhanh. Thấy hiệu quả, nên tôi thường xuyên sử dụng thuốc này, cứ khi nào thấy mắt ngứa là lại nhỏ thuốc liên tục 2 – 3 ngày. Đến khi thấy mắt ngày càng mờ tôi lo lắng đi khám thì mới sững người khi bác sĩ khẳng định tôi bị bệnh Glocom".

Tượng tự, bà V.T.T. (60 tuổi, ở Yên Bái) mới đây cũng đã phát hiện bản thân bị mắc bệnh Glocom sau một lần đi khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái.

Theo Ths.Bs Hồ Doãn Hồng, Trưởng Khoa mắt - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, bệnh nhân T. nhập viện vào đêm 13/3 do bị đau nhức mắt, nhìn mờ đột ngột, đau đầu, buồn nôn. Sau khi thăm khám được bác sĩ chẩn đoán MT Glocom góc đóng.

Rất may, bệnh nhân được phát hiện bệnh từ sớm nên đã được điều trị, giúp tình trạng ổn định hơn. Hiện tại, bệnh nhân T. vẫn đang được điều trị bằng thuốc hạ nhãn áp và chờ đến ngày phẫu thuật.

"Bệnh Glocom được chia làm hai hình thái: Glocom góc đóng (cấp tính) và Glocom góc mở (mãn tính). Nếu dựa theo bệnh căn thì có Glocom nguyên phát (không kèm theo bệnh về mắt khác) và Glocom thứ phát (kèm theo bệnh căn khác ở mắt gây tắc nghẽn lưu thông thủy dịch). Với Glocom góc đóng (cấp tính), các triệu chứng xuất hiện rầm rộ. Với Glocom góc mở (mãn tính), bệnh gần như không có triệu chứng rõ ràng, âm ỉ, thường được phát hiện tình cờ khi đi khám do thị lực giảm trầm trọng và bệnh thường trong giai đoạn muộn.

Ở giai đoạn muộn, việc điều trị bệnh chỉ có thể kiểm soát đau, ít khả năng phục hồi thị lực. Do đó, trong điều trị Glocom, không có biện pháp nào tốt hơn là tầm soát và phát hiện bệnh sớm", Ths.Bs Hồ Doãn Hồng cho hay.

Nguyên nhân gây bệnh Glocom thứ phát bao gồm:

-Người điều trị các chế phẩm có corticoid tại mắt và toàn thân trong thời gian dài không có sự kiểm soát của bác sĩ;

-Bệnh nhân bị cao huyết áp có biến chứng tại mắt nhưng không được điều trị đúng, kịp thời;

-Bệnh nhân bị bệnh viêm màng bồ đào, bị chấn thương, bị bỏng mắt…

-Bệnh nhân bị bệnh đục thể thủy tinh ở giai đoạn cuối gây biến chứng tăng nhãn áp.

"Cần khám mắt định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần với những người trên 35 tuổi, người có người thân mắc bệnh Glocom, cận thị và viễn thị nặng, đái tháo đường, cao huyết áp… Đặc biệt, mọi người không tự sử dụng các thuốc có hoạt chất corticoid mà không có chỉ định của Bác sĩ", Ths.Bs. Hồ Doãn Hồng khuyến cáo.