Đang mang thai ở tuần thứ 38, chị Lê Kiều Anh bị sốt. Gia đình đưa chị đi khám thì được chẩn đoán bị sốt xuất huyết, phải chuyển vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW để điều trị. “Vào viện 3 ngày thì có cơn co, bác sĩ chuyển vợ sang khoa sản, Bệnh viện Bạch Mai, sau khi hết cơn co lại chuyển sang khoa lây của bệnh viện. Đến chiều ngày thứ 5, vợ chuyển dạ. Bác sĩ trao đổi với gia đình, trường hợp này rất khó bởi nếu sinh em bé, mẹ có nguy cơ tử vong”- anh Trần Trọng Thanh, chồng chị Kiều Anh cho biết.

Rất nhiều thông tin về tình trạng nguy kịch của vợ và con khiến bản thân anh Thanh hoang mang, khủng hoảng và lo sợ Thời gian vợ nằm viện vài ngày nhưng với anh Thanh tưởng như dài cả thế kỷ. Sau 5 ngày nằm viện, em bé ra đời. Thế nhưng chỉ 2 tiếng sau đó, bác sĩ thông báo, vợ anh khó thở. May sao, nhờ sự nỗ lực của các bác sĩ, chị Kiều Anh đã qua cơn nguy kịch. Sau 8 ngày điều trị tại bệnh viện, chị Kiều Anh và con đã được xuất viện về nhà.

Hơn ai hết, gia đình anh Trần Trọng Thanh và chị Kiều Anh thấu hiểu sự nguy hiểm do sốt xuất huyết gây nên cho cả mẹ và thai nhi.

TS-BS Nguyễn Thị Kim Thư- Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ khuyến cáo, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây biến chứng ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Sốt xuất huyết khi mang có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé, đặc biệt vào những giai đoạn đầu và cuối thai kỳ. Vì thế, các mẹ bầu không thể chủ quan với sốt xuất huyết và những biến chứng của căn bệnh này.

Biểu hiện bệnh sốt xuất huyết ở phụ nữ mang thai tương tự như ở những đối tượng khác. “Thai phụ có thể sốt cao đột ngột kèm theo run rẩy. Đau đầu dữ dội, đau mỏi người, nhức hốc mắt. Ăn uống kém, không ngon miệng, buồn nôn hay nôn thường xuyên. Cơ thể mất nước, khát nước, tiểu ít. Khó thở. Chảy máu chân răng…” – BS Kim Thư nói.

Theo bác sĩ Thư, sốt xuất huyết khi mang thai là tình trạng nguy hiểm cần được theo dõi và xử lý kịp thời đúng cách để tránh các biến chứng. Do cơ thể phụ nữ mang thai sức đề kháng suy yếu dễ mắc bệnh hơn, tình trạng bệnh có thể nguy hiểm hơn so với người khác. “Các biến chứng thường gặp như: Giảm tiểu cầu có thể đe dọa đến tính mạng cho cả thai phụ và thai nhi. Tăng nguy cơ sinh non, em bé sinh ra nhẹ cân hoặc thậm chí tử vong nếu thai phụ bệnh nặng. Khi thai phụ bị sốt xuất huyết trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ làm tăng nguy cơ bị sảy thai, giai đoạn sau tăng nguy cơ thai lưu. Nếu mẹ bầu bị nhiễm virus sốt xuất huyết trong khi sinh, nguy cơ xuất huyết là rất cao. Tiền sản giật khi mang thai” BS Thư cho hay.

Khi đang mang thai bị sốt xuất huyết hay có những dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết, phụ nữ mang thai cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị bệnh phù hợp. Đặc biệt, các mẹ bầu không được tự ý mua thuốc sử dụng thuốc trong thời gian mắc bệnh.

Cần chú ý đến tình trạng sốt vì sốt có thể gây nguy hiểm cho thai nhi nên khi sốt trên 38 độ C cần hạ sốt bằng paracetamol 10-15mg/kg cân nặng, chườm ấm, uống nhiều nước, mặc quần áo thoáng mát. Khi sốt dưới 38 độ C chưa cần dùng thuốc, chỉ cần chườm ấm, uống nhiều nước, mặc thoáng mát. Nghỉ ngơi tại giường, hạn chế đi lại ở mức tối đa. Uống nhiều nước, sử dụng nước hoa quả như nước cam ép... Ăn lỏng dễ tiêu, ăn cháo hay súp giúp cung cấp đủ chất dinh dưỡng, giảm cảm giác chán ăn. Giữ tâm trạng thoải mái, tránh lo âu gây ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và bé, tuân thủ phác đồ điều trị và những hướng dẫn của nhân viên y tế.

Theo lời khuyên của TS-BS Nguyễn Thị Kim Thư, việc phòng tránh muỗi đốt, làm vệ sinh môi trường khu vực nhà ở sẽ giúp phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả.

Việc sử dụng dung dịch phun chống muỗi cần đảm bảo các nguyên tắc an toàn, nếu sử dụng các loại kem thoa chống muỗi đốt cần xem kỹ hướng dẫn trước khi dùng và chỉ nên dùng các sản phẩm phù hợp với phụ nữ mang thai.