Cậu bé luôn hình dung bố như một siêu anh hùng. Vừa hồ hởi giúp bố lấy những vật dùng cần thiết để sắp vào vali, miệng bé vừa khen bố thật dũng cảm. Thế nhưng khi nhìn bố lên xe rời đi, bóng bố xa dần cậu bé mới ý thức về sự chia xa, đòi mẹ gọi bố quay lại….

Ngày 17/5, BS Phạm Minh Tuấn nhận lệnh lên đường chi viện cho Bắc Ninh. Đây không phải là lần đầu tiên anh vào vùng dịch. Trước đó, anh đã từng đi chi viện cho Hải Dương chống dịch.

BS Tuấn đến Bắc Ninh trong một ngày nắng nóng cao điểm và tình hình dịch ở đó cũng “nóng” không kém. 300 ca mắc COVID-19 tại 7/8 huyện, thị xã. Thời điểm đó con số mắc không ngừng tăng lên theo giờ nhưng đơn nguyên điều trị dành cho các bệnh nhân mắc Covid nặng vẫn chỉ gói gọn trong Khoa truyền nhiễm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tình thế lúc đó vô cùng căng thẳng. Nếu không nhanh chóng thành lập đơn nguyên cấp cứu sẽ không còn chỗ tiếp để nhận bệnh nhân. Ngay lập tức bác sĩ Tuấn cùng các chuyên gia của BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh bắt tay thành lập ngay đơn nguyên cấp cứu, có thể tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân COVID-19 nặng.

Nhiệm vụ của BS Tuấn khi đó là hỗ trợ đồng nghiệp ở Bắc Ninh hội chẩn, điều trị những ca bệnh nặng và nguy kịch. Một ngày làm việc của anh thường bắt đầu từ 6h sáng và không có giờ kết thúc cố định. “Những đợt dịch trước, ca bệnh nặng thường là bệnh nhân cao tuổi và có bệnh nền. Còn lần này, có những bệnh nhân trẻ khi vào viện không có biểu hiện gì nhưng chỉ mấy ngày sau chụp Xquang đã thấy phổi tổn thương nghiêm trọng, bệnh nhân nặng diễn tiến rất nhanh”- bác sĩ Tuấn chia sẻ.

Ngày 7/6, thời điểm Bắc Ninh vượt ngưỡng 1000 bệnh nhân COVID-19, số bệnh nhân nặng cũng tăng lên. Trong 1 ngày, đơn nguyên hồi sức tích cực của Bệnh viện ĐK tỉnh Bắc Ninh tiếp nhận một lúc 20 ca bệnh nặng. Có những ca phải can thiệp thở máy, có ca phải chạy thận lọc máu, có trường hợp phải thở oxi không xâm nhập….Tất cả đều gấp gáp, chạy đua với thời gian để đưa người bệnh trở về với cuộc sống. “Cấp cứu can thiệp cho một bệnh nhân xong, lại tiếp tục quay sang xử trí cho một bệnh nhân khác. Bệnh nhân COVID-19 nặng diễn tiến rất nhanh. Thời gian tính từng phút chứ không còn là tính theo giờ."

Trong guồng quay gấp gáp của công việc, sự khó chịu do bộ đồ bảo hộ mang lại dường như chẳng thấm tháp gì.

Trong những ngày ở tâm dịch mái tóc bồng bềnh của anh đã được cạo trọc. Anh bảo “cắt đi sẽ thuận tiện cho việc đội mũ bảo hộ và giảm bớt cái nóng như đổ lửa”. Với nhiều người, cắt đi mái tóc là điều bình thường nhưng với bác sĩ Tuấn đó lại là quyết định không dễ dàng. Khi gọi điện cho vợ ở nhà, vợ anh đã vô cùng ngạc nhiên và sau cuộc điện thoại ấy chị đã chia sẻ trên trang facebook cá nhân của mình: “Mái tóc là thứ chồng em trân quý vậy mà cũng bản lĩnh cắt bỏ vì cuộc chiến. Nên em mong rằng, mọi người ở ngoài còn được làm điều mình thích hãy trách nhiệm với đại dịch”.

Sau hơn 1 tháng chi viện cho Bắc Ninh, BS Tuấn cùng các đồng nghiệp đã điều trị khỏi cho hơn 1.170 bệnh nhân COVID-19. Với anh - nụ cười của bệnh nhân ngày được công bố khỏi bệnh là món quà vô giá trong khoảng thời gian rất đáng nhớ này.

Ngày hôm nay cho dù đã được về với gia đình nhưng dịch Covid-19 vẫn rất “nóng” ở nhiều địa phương và rất có thể một ngày nào đó cậu bé con anh sẽ lại hỏi: Mẹ ơi, bố đi đâu đấy?