Khi món ăn là một phần hành trình
Ẩm thực luôn là một phần hấp dẫn trong mỗi hành trình khám phá. Mỗi vùng đất mới không chỉ đem đến cảnh sắc khác biệt, mà còn mở ra một thế giới mùi vị rất riêng, nơi mỗi món ăn chứa đựng câu chuyện của con người, văn hóa địa phương.

Đoàn Thanh Tú - một bạn trẻ đam mê du lịch chia sẻ trải nghiệm thực tế: "Em hơi khó ăn, nhất là những món có vị lạ hoặc cay. Khi đến Ấn Độ, Nepal, họ dùng rất nhiều gia vị cà ri mà em lại không chịu được mùi này. Thế nên em thường thủ sẵn muối lạc để ăn cùng cơm trắng, phòng trường hợp không hợp khẩu vị".
Không chỉ dừng lại ở việc ứng biến, với Tú, trải nghiệm ẩm thực còn gắn liền với việc tìm kiếm những món ăn phù hợp và gần gũi:"Ở Cần Thơ, em rất thích các món ăn đường phố ở bến Ninh Kiều: hải sản tươi ngon, giá cả hợp lý. Đi tour miệt vườn thì có thể ăn trái cây tươi ngay tại vườn – vừa sạch, vừa thú vị".
Mỗi chuyến đi, với Đoàn Thanh Tú, là một hành trình vừa mở rộng khẩu vị, vừa hiểu rõ giới hạn của bản thân. Tinh thần khám phá không đồng nghĩa với việc ép mình phải ăn những món không hợp, mà là chọn cách thưởng thức một cách vui vẻ và an toàn.

Anh Nguyễn Văn Hạnh – một du khách có kinh nghiệm cũng chia sẻ cách anh tiếp cận ẩm thực địa phương:"Mình luôn ưu tiên thử món đặc trưng của từng nơi: gà đồi, cá suối trên núi, hải sản tươi ở vùng biển. Nhưng cũng chỉ ăn một lượng vừa phải và phải ăn chín uống sôi. Những món sống thì mình hạn chế vì đi chơi mà gặp các vấn đề về tiêu hóa thì rất là phức tạp".
Với anh Nguyễn Văn Hạnh, mỗi món ăn nếm thử là một mảnh ghép giúp anh cảm nhận sâu hơn bản sắc địa phương, nhưng luôn đi kèm sự thận trọng cần thiết để hành trình không gặp trục trặc.
Trải nghiệm ẩm thực hôm nay còn mang một diện mạo khác – trẻ trung hơn, nhanh nhạy hơn, khi mạng xã hội trở thành bản đồ gợi ý những điểm đến. Hồng Hạnh – một bạn trẻ vừa hoàn thành chuyến foodtour Hải Phòng kể lại: "Mình xem review trên Tiktok, thấy nhiều người khen nên nhóm quyết định đi. Foodtour 1 ngày thôi, từ sáng 6h ra Hải Phòng, ăn cả ngày, tối về lại Hà Nội".
Ẩm thực của mỗi vùng đất có thể khác nhau, nhưng cảm giác háo hức khi ngồi trước một món ăn mới thì ở đâu cũng giống nhau. Tuy nhiên, để mỗi trải nghiệm thực sự trọn vẹn, vừa ngon miệng, vừa an toàn thì chắc chắn sẽ cần thêm một chút lưu ý.
Lời khuyên từ bác sĩ dinh dưỡng
BS Nguyễn Hoài Thu, Phòng khám và tư vấn Dinh dưỡng VIAM cho rằng, việc “ăn thử cho biết” khi đi du lịch là một phần tất yếu của trải nghiệm. Nhưng đi kèm với đó là những rủi ro mà không phải ai cũng lường trước:“Việc thử món mới là điều nên làm – bởi đó là cách chúng ta kết nối với văn hóa ẩm thực và con người nơi mình đến. Nhưng thử gì cũng cần có giới hạn. Đừng để tò mò lấn át sự tỉnh táo”.
Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Thu, có ba nhóm món ăn du khách cần đặc biệt lưu ý:
- Đồ chiên rán nhiều dầu mỡ: Dễ gây đầy bụng, khó tiêu, đặc biệt nếu dầu đã chiên đi chiên lại nhiều lần – có thể sản sinh ra chất độc như aldehyde ảnh hưởng đến enzym tiêu hóa.
- Đồ sống, tái, chưa được nấu chín kỹ: Như hải sản tươi, gỏi, sushi… có thể tiềm ẩn nguy cơ nhiễm giun sán, vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm như E.Coli.
- Món lên men lạ: Như natto (đậu tương lên men), đậu phụ thối, dưa muối kiểu địa phương – nếu cơ thể chưa quen sẽ dễ kích ứng ruột, gây đau bụng, tiêu chảy.
Vì sao người bản địa ăn được còn khách du lịch thì không?
Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu giải thích, khoảng 70–80% hệ miễn dịch nằm ở đường ruột. Người bản địa đã quen với các loại vi sinh vật trong thực phẩm nơi họ sống, còn du khách thì không. Vì vậy, cơ thể có thể phản ứng mạnh khi tiếp xúc với món ăn tưởng là vô hại.
Đó cũng là lý do vì sao có người chỉ ăn một chút đồ lạnh, hoặc uống một cốc nước đá lề đường cũng có thể gặp vấn đề về tiêu hóa.
Nguyên tắc 3S và cách ăn thử thông minh
Để mỗi bữa ăn là một trải nghiệm đáng nhớ, bác sĩ Nguyễn Hoài Thu gợi ý nguyên tắc 3S:
- Sạch: Ưu tiên quán ăn vệ sinh, bàn ghế gọn gàng, bếp chế biến tươm tất.
- Sớm: Nên ăn sáng hoặc trưa, tránh ăn tối muộn vì thực phẩm có thể đã để lâu.
- Sôi: Chỉ ăn món đã nấu chín kỹ.
Khi ăn món lạ, chỉ nên ăn với lượng nhỏ trong lần đầu. Nếu sau 2–3 giờ không có phản ứng gì, có thể cân nhắc tiếp tục ăn vào bữa sau.
Ngoài ra, bác sĩ khuyên nên chuẩn bị sẵn các loại thuốc tiêu hóa, men vi sinh, nhất là với người có tiền sử rối loạn tiêu hóa, người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, hoặc người có bệnh nền.
Một điểm quan trọng nữa mà nhiều người bỏ qua, theo bác sĩ Nguyễn Hoài Thu, là tinh thần. Khi đi du lịch, nếu quá mệt mỏi, căng thẳng, lịch trình dày đặc, cũng dễ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
“Hệ trục não – ruột hoạt động rất nhạy. Vui chơi quá sức, ăn ngủ thất thường, stress nhẹ cũng có thể khiến ta đau bụng, buồn nôn – dù ăn món hoàn toàn sạch”.
Lời khuyên của bác sĩ là giữ sự cân bằng: 80% duy trì thói quen ăn uống như ở nhà và 20% dành để trải nghiệm món mới, đổi lịch sinh hoạt.
Và đừng quên, nước uống cũng cần lựa chọn kỹ. Nước đá không rõ nguồn gốc, các loại đồ uống lạnh mua vỉa hè có thể là “thủ phạm” gây đau bụng mà bạn không để ý./.