ThS.BS Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E cho biết, người phụ nữ này đến bệnh viện khám với các biểu hiện sưng đau ở hai bên bẹn với tâm lý sợ mắc ung thư và khá rụt rè khi chia sẻ về bất thường giới tính. Chị có âm vật to 4cm đồng thời lại có tinh hoàn ở hai bên bẹn, không có âm đạo, không có hình hài cơ quan sinh dục nữ.

ThS.BS Nguyễn Đình Minh cho biết, đây là hội chứng lưỡng giới giả nam, tức là người phụ nữ mang nhiễm sắc thể nam giới. Với mong muốn là được điều trị vùng bị đau, giải quyết nguy cơ ung thư và phẫu thuật để trở thành người phụ nữ, ekip các y bác sỹ tại bệnh viện E đã tiến hành hội chẩn liên khoa và quyết định thực hiện phẫu thuật.

Một ê kíp của TS.BS Nguyễn Đình Liên – trưởng khoa Phẫu thuật thận tiết niệu và nam học cùng các bác sĩ phẫu thuật cắt tinh hoàn trong ổ bụng cho người bệnh bằng phương pháp mổ nội soi ít xâm lấn.

TS.BS Nguyễn Đình Liên chia sẻ, đây là kỹ thuật không khó, được mổ thường quy ở Bệnh viện E. Tuy nhiên, đối với ca mổ này cần lưu ý đánh giá tinh hoàn trong ổ bụng như vị trí, kích thước, tổn thương đại thể, ống dẫn tinh, dây chằng cố định, bó mạch tinh... Do mổ nội soi nên trường phẫu thuật hẹp, xác định vị trí tinh hoàn khó, nên phẫu thuật viên cần khéo léo phẫu tích cắt bỏ và đưa tinh hoàn ra khỏi ổ bụng, làm giải phẫu bệnh.

Song song với đó là PGS.TS Đỗ Trường Sơn – Trưởng khoa Ngoại tổng hợp cùng ThS.BS Nguyễn Đình Minh sẽ tạo hình khoang âm đạo và tạo hình ống âm đạo của người bệnh. Theo PGS.TS Đỗ Trường Sơn, khi tiến hành tạo hình khoang âm đạo, đây là khâu thách thức với các bác sĩ do người bệnh không có âm hộ, không có tiền đình của âm đạo và không có di tích của ống âm đạo. Quá trình phẫu thuật rất tỉ mỉ để tạo một khoang âm đạo có đủ chiều sâu, rộng khoảng từ 8-10 cm, đảm bảo chức năng âm đạo và tránh làm tổn thương các thành phần xung quanh, kiểm soát vùng tiểu khung trực tràng, bàng quang, niệu đạo. Ngoài ra, cần lưu ý khu vực phẫu tích chứa nhiều mạch máu, tránh gây chảy máu cho người bệnh.

Một ê kíp khác thực hiện lấy niêm mạc từ âm vật của bộ phận sinh dục ngoài và một phần niêm mạc phía trong miệng để tạo hình trên một khuôn nong do ThS.BS Lương Thanh Tú – Phó khoa tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt thực hiện. Sau đó, những mảnh ghép này được xử lí làm mỏng, phủ kín lên khuôn nong và cố định lại vào khoang âm đạo vừa được tạo hình để đảm bảo “sự sống” ở nơi nhận để không bị hoại tử. Lớp niêm mạc đó đảm bảo yếu tố sinh lý, rất gần cấu tạo của niêm mạc âm đạo, nhờ đó, thành âm đạo sau tạo hình mềm mại, đặc biệt tạo tính đàn hồi khi quan hệ tình dục.

Theo BS Minh, đối với trường hợp của người bệnh này, cơ thể của người bệnh chỉ sai lệch bộ phận sinh dục chứ ngoại hình cũng như tâm tính hoàn toàn là phụ nữ. Do vậy, sau khi xuất viện, người bệnh sẽ phải điều trị bằng hormone để các thuộc tính nữ trội lên. Trong 3 tháng tới, người bệnh nhân tiếp tục được nong âm đạo để đảm bảo bộ phận này hoạt động bình thường. Người bệnh có thể tìm kiếm hạnh phúc, lấy chồng nhưng không thể có con.