Thuốc là loại hàng hóa đặc biệt và chỉ được bán lẻ dưới 4 hình thức: nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc của trạm y tế xã/phường và cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Tuy nhiên hiện nay thuốc chữa bệnh được bán tràn lan trên mạng. Chưa bao giờ một loại hàng hóa có điều kiện kinh doanh khắt khe lại mua bán dễ dàng đến vậy.

"Điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với người sử dụng" - BS Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị nhận định. Có rất nhiều câu hỏi đặt ra với thuốc online như: chất lượng thuốc ra sao, liệu đấy có phải là thuốc chính hãng, thuốc được kiểm nghiệm, được các hãng dược phẩm đưa ra thị trường một cách chính thức hay không? Ngoài ra thuốc có được sử dụng đúng theo chỉ định để chữa bệnh hay không?

Người bán dễ dàng, người mua thì dễ dãi, bởi chỉ cần những lời quảng cáo và phản hồi từ các bình luận trên trang web thì có thể bỏ ra hàng trăm, thậm chí hàng triệu để mua một sản phẩm. Chị Phạm Diệu Linh, ở tỉnh Quảng Nam cho biết: " Hầu hết thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung đều mua online thôi. Ví dụ như mua men vi sinh, men tiêu hóa cho con, em đọc thấy nhiều người khen thì em đặt mua trên mạng luôn cho tiện".

Lê Đông Vinh từng điều trị trứng cá tại cơ sở y tế hơn một năm. Thời gian sau đó, Vinh được bạn bè giới thiệu nên mua sữa rửa mặt, thuốc uống và thuốc bôi trên một tài khoản Facebook. Thế nhưng trái với mong đợi, sau hơn 1 tháng sử dụng, tình trạng da không cải thiện: "Thuốc đó em được bạn giới thiệu vì bạn ấy cũng dùng cũng đỡ. Sau khi dùng em thấy cũng đỡ được một chút nhưng không giảm được mấy, mụn vẫn cứ nổi lên, do đó em dừng thuốc".

Vinh đến viện trong tình trạng mụn mủ, mụn bọc mọc kín khuôn mặt, các tổn thương sẩn mụn mủ rải rác trên người. Đáng nói, đây không phải trường hợp hiếm gặp. Theo chị Hoàng Thị Kim Vân, chuyên viên trị liệu của một hãng mỹ phẩm: nhiều trường hợp phải điều trị mụn trị cá kéo dài do tự ý bôi, sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc.

"Mỗi người sẽ có một thể trạng sức khỏe, tình trạng da khác nhau, việc sử dụng các loại thuốc không qua thăm khám có thể làm tình trạng mụn nặng hơn, hình thành sẹo rỗ, da sần sùi" - chị Hoàng Thị Kim Vân cho biết

Hiện nay các loại thuốc, thực phẩm chức năng bị làm giả rất nhiều và rất tinh vi. Các sản phẩm được bán online hiện nay thiếu sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Do đó khi mua qua mạng, người tiêu dùng không thể biết chắc sản phẩm đó là hàng thật hay hàng giả, chưa kể đã có không biết bao nhiêu bệnh nhân tiền mất tật mang, thậm chí phải đánh đổi cả mạng sống do không được chữa bệnh đúng cách và kịp thời khi tin vào các quảng cáo trên mạng.

"Bệnh nhân bị sốt, chưa được chẩn đoán nguyên nhân cụ thể nhưng nghĩ mình bị cúm nên đã mua thuốc Tamiflu từ một tài khoản Facebook để uống. Sau 5 ngày tự điều trị, bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốc, tụt huyết áp, mạch nhanh, chẩn đoán : sốc do sốt xuất huyết. Đây là trường hợp cụ thể liên quan đến việc tự chẩn đoán, tự mua thuốc trên mạng" - BS Khiêm kể lại.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về tình trạng giả danh thuốc bệnh viện bán trên các trang mạng xã hội. Tình trạng quảng cáo thuốc trái phép, lừa đảo trên mạng xã hội gần đây có “bước tiến mới” khi nhiều bác sĩ có uy tín cho biết họ bị lợi dụng, cắt ghép hình ảnh.

Theo quy định của Bộ Y tế, các bác sĩ không được phép bán thuốc trên mạng xã hội. Theo Nghị định số 18/2023/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp có hiệu lực, doanh nghiệp bán hàng đa cấp không cung cấp thông tin về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế. Các “bác sĩ” đang quảng cáo, rao bán các loại sản phẩm thuốc chữa bệnh trên mạng xã hội, nếu không phải là nạn nhân của chiêu trò lừa đảo thì cũng đang vi phạm pháp luật.

Không chỉ cơ quan chức năng mà các bệnh viện, bác sĩ, người bị hại… cũng đã tích cực lên tiếng cảnh báo. Nhưng còn 1 vấn đề nữa cũng quan trọng không kém đó là nhận thức của người dân.

"Người dân phải hiểu được rằng: bác sĩ cần nắm được thông tin cũng như các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng mới có hướng điều trị. Hướng điều trị phải thể hiện bằng đơn thuốc. Và đơn thuốc đó thể hiện chất xám của bác sĩ cũng như trách nhiệm của bác sĩ đối với từng loại thuốc để điều trị bệnh cho bệnh nhân" - BS Nguyễn Đặng Khiêm bày tỏ quan điểm.

Tình trạng lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng, với hình thức ngày càng mới mẻ và tinh vi. Việc lấy danh nghĩa bác sỹ, bệnh viện để quảng cáo trên mạng xã hội không chỉ tư vấn sai về chuyên môn, bán thuốc trá hình, mà nhiều khi còn làm người bệnh còn bỏ lỡ thời điểm chữa bệnh tốt nhất khiến bệnh càng nặng thêm.

Người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin, khám chữa bệnh và mua thuốc tại các cơ sở y tế uy tín, được nhà nước cấp phép để tránh tiền mất tật mang.