TS- BS Nguyễn Văn Dũng – Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng Trung ương – cho biết, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan chủ yếu do muỗi vằn đốt người bệnh sau đó truyền virus cho người lành qua vết đốt. Cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là diệt muỗi, diệt bọ gậy, loăng quăng.

Khi muỗi cái hút máu người bệnh, virus sẽ ở trong cơ thể muỗi, ủ bệnh từ 3-7 ngày. Từ ngày thứ 7 trở đi, muỗi đốt người thì có nguy cơ truyền bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, muỗi trưởng thành ít khi đậu trên tường nhà mà chủ yếu đậu trên quần áo treo, mùng màn. Do đó, biện pháp phun hóa chất tồn lưu ít hiệu quả với loại muỗi này.

“Để diệt muỗi Aedes aegypti, chúng ta cần phun hóa chất dưới dạng phun sương và hóa chất chỉ có tác dụng nhất thời đối với đàn muỗi trưởng thành đang có nguy cơ gây dịch. Mặt khác, cũng không thể phun hóa chất trực tiếp lên quần áo – nơi muỗi gây bệnh sốt xuất huyết thường trú ngụ. Do đó, biện pháp phòng chống sốt xuất huyết lâu dài và hiệu quả cao chính là diệt bọ gậy và loăng quăng.” - TS- BS Nguyễn Văn Dũng cho biết.

Vị chuyên gia về côn trùng cũng cho biết, muỗi Aedes aegypti ưa đẻ trứng ở những nơi nước trong và sạch. Trứng muỗi bám vào thành vật dụng chứa nước, sau 3 ngày nở ra thành bọ gậy, 7 ngày sau hóa thành loăng quăng và 3 - 4 ngày tiếp theo phát triển thành muỗi.

Nếu con muỗi mang virus Dengue gây bệnh xuất huyết thì sẽ truyền virus sang thế hệ sau. Do đó, ở những nơi có ổ dịch sốt xuất huyết cần đặc biệt chú ý các biện pháp diệt bọ gậy, loăng quăng hoặc diệt muỗi để chặt đứt chuỗi lây truyền này.

Một điểm cần lưu ý nữa là trứng muỗi có thể tồn tại trong điều kiện khô hạn tới 6 tháng. Khi gặp nước, trứng này vẫn có thể nở ra thành bọ gậy. Vì vậy, chúng ta cần loại trừ nơi sinh sản của muỗi bằng cách không để nước đọng trong và xung quanh nhà, đậy kín hoặc lật úp các dụng cụ chứa nước như chum, vại, dọn dẹp các vật có thể đọng nước mưa như vỏ dừa, mảnh bát, chai lọ vỡ, lốp xe…Trước khi lật úp chum vại hoặc các vật dụng chứa nước, chúng ta nên chú ý thau rửa thành của dụng cụ để diệt trứng muỗi. Với bể chứa nước lớn dùng để để ăn uống, sinh hoạt không thể thau rửa thì người dân có thể thả cá diệt bọ gậy, loăng quăng. Với những bể nước, hố ga… tại các công trình xây dựng, chúng ta có thể thả hóa chất để loại trừ sinh vật này – TS – BS Nguyễn Văn Dũng hướng dẫn.

Qua thực tế giám sát, TS- BS Nguyễn Văn Dũng cũng nhận thấy, ở nhiều nơi, các gia đình thường để lọ hoa cúng ngoài trời và đây chính là điều kiện thuận lợi để muỗi đẻ trứng và sinh sôi thành bọ gậy, loăng quăng. Tuy nhiên mọi người chưa để ý đến việc dọn dẹp, vệ sinh những vật dụng này và dẫn đến muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tiếp tục tồn tại, phát triển.

Trước thắc mắc của nhiều người tại sao nhà cửa rất sạch sẽ, thoáng đãng hoặc ở chung cư cao tầng nhưng vẫn bị sốt xuất huyết, TS- BS Nguyễn Văn Dũng giải thích: mặc dù ở nhà cao tầng nhưng muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết vẫn có thể bay vào thang máy lên cao và trú ngụ trong nhà mà chúng ta không biết. Loại muỗi này thường đốt người vào chiều tà hoặc sáng sớm và đốt rất êm nên chúng ta thường khó phát hiện.

Mặt khác, trong điều kiện hiện nay, chúng ta đi học, đi làm, giao lưu, di chuyển đến rất nhiều nơi, nhiều địa điểm nên có thể không phải bị muỗi đốt ở nhà mà tại những nơi khác.

“Vì vậy, một gia đình giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, diệt muỗi, diệt bọ gậy, loăng quăng thôi thì chưa đủ mà vần có sự tham gia của tất cả mọi người, mọi gia đình trong cộng đồng chứ không phải là nhiệm vụ riêng của ngành y tế. Do nguồn nhân lực có hạn nên tại cộng đồng, ngành y tế chỉ có thể hướng dẫn về chuyên môn. Vai trò chủ động của người dân rất quan trọng trong việc phòng chống dịch sốt xuất huyết.”, TS- BS Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh.