Theo thống kê của Bộ Y tế, trong quý 1-2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, khiến hơn 650 người bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu và điều trị, trong đó có 3 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, trong 3 tháng qua, số người bị ngộ độc thực phẩm tăng 270%. Điển hình như vào cuối tháng 3 năm nay, một vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra sau khi ăn cơm gà tại quán Trâm Anh ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) khiến 368 người phải vào viện khám, điều trị.

Cũng tại Khánh Hòa, thời điểm đó xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm khác khiến một học sinh lớp 5 Trường tiểu học Vĩnh Trường, TP Nha Trang (Khánh Hòa) tử vong, nhiều học sinh khác có biểu hiện bị ngộ độc thức ăn.

Chỉ sau đó 1 tháng, đầu tháng 5/2024 liên tiếp có 2 vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, trong đó vụ ngộ độc liên quan đến bánh mì ở Đồng Nai cũng khiến hàng trăm người phải nhập viện.

Còn ngay sau đó, vào trưa 14/5, một vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại một công ty ở Vĩnh Phúc với hơn 350 công nhân có biểu hiện đau bụng, buồn nôn được đưa vào viện cấp cứu điều trị. Mới đây nhất, ngày 15/5, tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dechang Việt Nam (Khu công nghiệp Giang Điền ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai), khoảng 100 công nhân có biểu hiện nôn ói, đau bụng sau khi ăn chiều tại công ty.

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Nhiên, nguyên Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam cho rằng, ngộ độc thực phẩm là điều không ai mong muốn nhưng trên thực tế các mối nguy cơ mất an toàn thực phẩm vẫn luôn rình rập người tiêu dùng.

Qua những vụ việc ngộ độc thực phẩm vừa mới xảy ra ở một số tỉnh thành như Đồng Nai, Vĩnh Phúc, thành phố Hồ Chí Minh…thì có thể thấy xuất phát từ nhiều nguyên nhân, yếu tố khác nhau, kể cả góc độ quản lý nhà nước, người sản xuất kinh doanh và một phần nào đó cũng có trách nhiệm của người tiêu dùng.

“Tất nhiên phải tùy từng vụ việc cụ thể mới có thể xem xét trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan một cách công bằng, khách quan nhất”, ông Nguyễn Văn Nhiên nhấn mạnh.

Trên thực tế, những vi phạm chủ yếu mà các cơ sở kinh doanh thực phẩm thường mắc phải là: thiếu điều kiện vệ sinh, trang thiết bị, dụng cụ chế biến chưa đảm bảo; người trực tiếp chế biến thực phẩm không đội mũ, đeo khẩu trang khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay; cơ sở không thực hiện quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; cống rãnh thoát nước thải khu vực bếp ăn bị ứ đọng, không được che kín; nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản thực phẩm có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập…Đơn cử như vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại tiệm bánh mì cô Băng ở tỉnh Đồng Nai, qua kiểm tra cho thấy, cơ sở này không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, giấy khám sức khỏe. Nguyên liệu, thực phẩm do tiệm tự chế biến từ nguồn nguyên liệu mua ở các cửa hàng nhỏ lẻ, không có hợp đồng mua nguyên liệu đầu vào. Với những vi phạm này theo ông Nhiên, có thể thấy rất rõ, có sự buông lỏng trong công tác quản lý nhà nước.

“Hiện nay, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đã phân cấp đến cấp quận, huyện, xã, phường nên trong trường hợp này cần căn cứ thuộc cấp nào sẽ xử lý trách nhiệm của cấp đó”, ông Nhiên nêu ý kiến.

Ngoài những lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước thì một bất cập nữa khiến dư luận băn khoăn đặt câu hỏi phải chăng do chế tài xử phạt, xử lý hành vi vi phạm an toàn thực phẩm ở nước ta chưa đủ sức răn đe nên các vụ ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra? Theo Ths.Bác sĩ Nguyễn Văn Nhiên, chế tài xử phạt vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những chế tài mạnh nhất ở Việt Nam hiện nay. Cụ thể trong Luật An toàn thực phẩm đã quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có thể tới 7 lần giá trị sản phẩm vi phạm.

Chính phủ cũng đã có Chỉ thị tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; nhấn mạnh nội dung người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi đề xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn. Tuỳ từng mức độ vi phạm và hậu quả gây ra có thể xử lý bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức và cuối cùng là buộc thôi việc. “Điều đó đủ để thấy về mặt quy định pháp luật, chế tài xử phạt chúng ta không thiếu nhưng vấn đề cần bàn là trách nhiệm thực thi pháp luật phải thay đổi để tạo sự nghiêm minh, đủ sức răn đe hơn”, ông Nhiên cho biết.

Trong thời gian tới để kịp thời ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, TS.BS Nguyễn Văn Nhiên đề xuất phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mà trước hết là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm. Đồng thời nâng cao kiến thức, kỹ năng về bảo đảm an toàn thực phẩm cho nhiều người kể cả nhà quản lý, nhà sản xuất kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, giải pháp quan trọng hơn là phải siết chặt công tác quản lý nhà nước, chú trọng đến công tác thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm. Tăng cường kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm hoặc yêu cầu về quản lý nhà nước. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Công khai các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho người dân biết không sử dụng các thực phẩm của các cơ sở vi phạm.

Vấn đề an toàn thực phẩm, Chính phủ đã quy định rõ có ba cơ quan chịu trách nhiệm là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Bộ Y tế. Ngoài ra, còn có trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp. Bên cạnh đó cũng phải kể đến ý thức của người dân thực hiện vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm. Bởi vậy theo ông Nhiên, để làm tốt công tác an toàn thực phẩm, thì không chỉ có trách nhiệm của Bộ Y tế mà cần phải có sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các cấp các ngành và toàn xã hội.