Một số vi khuẩn dễ gây ngộ độc thực phẩm
PGS.TS. BS. Nguyễn Quang Dũng, Phó trưởng bộ môn Dinh dưỡng – An toàn thực phẩm, Viện đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết: thực phẩm có thể bị nhiễm khuẩn trong quá trình sản xuất, chế biến, nấu nướng như bảo quản không đúng cách, không nấu chín kỹ, tay bẩn chạm vào thức ăn, thực phẩm quá hạn sử dụng, lây nhiễm chéo...
Các loại vi khuẩn dễ gây ngộ độc thực phẩm như Salmonella, Escherichia coli (E. coli), Campylobacter, Shigella (lỵ trực trùng)
Vi khuẩn Salmonella là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tiêu chảy trên toàn cầu, trong đó có nhiều vụ ngộ độc quy mô lớn. Vi khuẩn này thường có trong thịt gà, trứng, sữa, rau sống. Tại nước ta, vi khuẩn Salmonella gây ra các vụ ngộ độc tập thể lớn ở Quảng Nam, Đồng Nai.
Vi khuẩn E.coli thường xuất hiện trong sản phẩm tươi sống, thịt bò, sữa tươi, nước trái cây, phô mai, trái cây và rau sống...- PGS Nguyễn Quang Dũng thông tin.
Khi ăn các loại thực phẩm có chứa campylobacter, người bệnh có thể sốt cao, viêm khớp. Vi khuẩn này thường có trong các loại gia cầm và sản phẩm làm từ gia cầm bị ô nhiễm.
Thực phẩm thường rất dễ bị nhiễm bẩn do vi khuẩn nếu chúng ta không duy trì vệ sinh trong quá trình chế biến, bảo quản. Phòng ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn thường không khó nếu chúng ta thực hiện tốt những lời khuyên về vệ sinh an toàn thực phẩm – PGS Dũng khuyến cáo.
Các loại thực phẩm có thể gây lây nhiễm ký sinh trùng
Ngộ độc thực phẩm do ký sinh trùng liên quan nhiều đến phong tục, tập quán ăn uống của người dân như: ăn tiết canh sống, gỏi sống, các loại đồ ăn, thức uống chưa được đun sôi, nấu kỹ...
Ngoài ra, có nhiều mầm bệnh lưu hành ở động vật hoang dại không thể kiểm soát được – PGS Nguyễn Quang Dũng cho biết.
Khi bị ngộ độc thực phẩm do ký sinh trùng, sẽ có thể chuyển sang mạn tính với các biến chứng ở ruột như chảy máu, u ruột, polip đại tràng, sa niêm mạc trực tràng, viêm phúc mạc do thủng ruột, viêm gan do amip và áp xe các bộ phận khác trong cơ thể.
Để phòng lây nhiễm ký sinh trùng từ thực phẩm thì nhiệt độ cao vẫn là biện pháp đáng tin cậy nhất, vì hầu hết các ký sinh trùng sẽ bị giết chết hoặc không hoạt động ở nhiệt độ 60°C, tuy nhiên, nhiệt phải thâm nhập toàn bộ khối thịt, cá.
Ăn gì để hồi phục sau ngộ độc thực phẩm?
Sau khi bị ngộ độc, cơ thể mệt mỏi, mất năng lượng, giai đoạn này cần đặc biệt lưu ý trong vấn đề lựa chọn và chế biến thực phẩm để phục hồi tốt.
Trong thời gian phục hồi hạn chế các thực phẩm có quá nhiều chất béo hoặc quá nhiều chất đạm. Bởi vì giai đoạn này, dạ dày cần nghỉ ngơi, nếu nạp hai loại chất này vào cơ thể, hệ tiêu hóa quá tải, làm tình trạng tiêu hóa không ổn định.
Đối với người mới bị ngộ độc, có thể ăn các loại thực phẩm dễ tiêu như: cháo, yến mạch; một số loại trái cây như chuối, vì trong loại trái này có lượng đường và carbohydrate bổ sung nguồn năng lượng tốt, đồng thời kali có trong chuối sẽ bù lượng điện giải bị mất đi khi ngộ độc.
Trong quá trình bị ngộ độc, hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều chất xơ, vì dễ gây ra tình trạng đầy bụng. Đặc biệt, để cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, PGS.TS.BS Nguyễn Quang Dũng khuyến cáo bổ sung thực phẩm chứa nhiều Probiotic, đặc biệt là các chế phẩm như sữa chua để cơ thể mau phục hồi.