Theo các bác sĩ, phòng bệnh bằng cách tiêm chủng là một trong những biện pháp hiệu quả nhất, không chỉ đối với trẻ mà cả người lớn. Bởi lẽ, hầu hết bệnh truyền nhiễm có thể gặp ở trẻ em cũng xuất hiện ở người lớn như cúm, viêm màng não, viêm phổi...

Theo các chuyên gia y tế, càng lớn tuổi thì chức năng miễn dịch của con người càng suy giảm. Khi đó, cơ thể không còn đề kháng trước các tác nhân gây bệnh. Đặc biệt, đa số người lớn tuổi còn kèm theo các bệnh lý nền như tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Do đó, nếu mắc các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin sẽ khiến tăng nặng bệnh nền ở người lớn tuổi.

Người trưởng thành, nhất là người cao tuổi và người mắc các bệnh mạn tính, có hệ miễn dịch suy giảm nên sẽ nhạy cảm hơn với các tác nhân gây bệnh. Do đó, họ có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm cao hơn và khi mắc thì biến chứng của bệnh cũng sẽ nghiêm trọng hơn, tỉ lệ tử vong cao hơn. Nhiều bệnh truyền nhiễm khi xảy ra ở người lớn thường có tác động nặng nề hơn, biến chứng nguy hiểm hơn, như: cúm, phế cầu, thủy đậu, sởi - quai bị - rubella, ho gà, uốn ván, bạch hầu, viêm màng não...

Việt Nam thuộc vùng khí hậu nhiệt đới. Vì vậy, bệnh cúm có thể xảy ra quanh năm, nhất là vào thời điểm cuối năm. Bệnh cúm có thể làm tăng 6 lần viêm phổi, tăng hàng trăm lần bệnh lý tim mạch. Bộ Y tế cho biết mỗi năm, trung bình tại Việt Nam có hơn 800.000 người mắc cúm. Trong đó, các virus gây bệnh thường gặp là cúm A (H3N2, H1N1) và 2 chủng cúm B (Yamagata và Victoria).

Bên cạnh đó, các bệnh do phế cầu khuẩn cũng xảy ra quanh năm và rất nguy hiểm. Phế cầu khuẩn là tác nhân chính gây nên viêm phổi, tập trung nhiều ở nhóm dưới 5 tuổi và trên 54-64 tuổi, đặc biệt cao ở nhóm người trên 85 tuổi. Virus này thường trú ở hầu họng và lây truyền nhanh trong môi trường đông đúc.

Do đó, để bảo đảm an toàn, trước khi tiêm chủng nên có sự tư vấn của bác sĩ. Từ đó, người dân có thể nắm được thông tin bệnh sử, lịch sử tiêm chủng để được tiêm vaccine theo đúng lứa tuổi, nguy cơ bệnh nền.