Trao đổi với phóng viên VOV2, ông Nguyễn Trường Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia (Bộ Y tế) cho biết: Bộ Y tế được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng 4 nền tảng y tế quốc gia gồm: nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, tiêm chủng và trạm y tế. Để đáp ứng yêu cầu về việc quản lý dữ liệu sức khỏe của người dân trên môi trường mạng, Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia được giao xây dựng nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa (Vtelehelth) và nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử.

“Với 2 nền tảng này, mục tiêu chính của chúng tôi là quản lý toàn diện sức khỏe người dân trên môi trường mạng cũng như đồng bộ các dữ liệu sức khỏe của người dân và hình thành các kho dữ liệu, kết nối liên thông một cách đồng bộ các dữ liệu, phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe nhân và cũng như là quản lý dữ liệu người dân trên môi trường mạng để giúp các cơ quan y tế quản lý cũng như người dân tiếp cận dịch vụ y tế một cách thuận tiện nhất”.

Về hồ sơ sức khỏe điện tử, đây là công cụ cần thiết trong chăm sóc sức khỏe người dân và quản lý điều trị bệnh, cũng như triển khai các chiến lược bảo vệ những người thuộc nhóm nguy cơ để phòng ngừa các bệnh dịch nguy hiểm. Từ năm 2019, các địa phương trong cả nước đã bắt đầu triển khai việc tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân song hành với những hoạt động khám và điều trị bệnh hằng ngày. Đến nay đã thu được kết quả bước đầu song theo đánh giá của các chuyên gia y tế, việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử vẫn chưa được như kỳ vọng bởi các phần mềm chưa được liên thông, việc quản lý trạm y tế xã còn quá nhiều phần mềm riêng lẻ, chưa bao phủ toàn bộ các nghiệp vụ, chưa liên thông lên tuyến trên.

Theo ông Nguyễn Trường Nam, việc triển khai nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử mới này sẽ khắc phục được những nhược điểm đó. “Chúng tôi đã tham mưu lãnh đạo cán bộ để có những định hướng thay đổi, trước đây, hồ sức khỏe điện tử chúng ta triển khai theo dạng từng phần mềm nhưng hiện nay chúng ta thay đổi thành nền tảng. Mục đích nền tảng là tạo ra môi trường chung kết nối tất cả các dữ liệu sức khỏe của người dân. Người dân đi khám bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh sẽ được liên thông và tập trung tại dữ liệu hồ sơ của Bộ Y tế đồng thời chia sẻ cho các cơ sở khám chữa bệnh cũng như bản thân người dân cũng được chia sẻ những dữ liệu sau khi đi khám. Như vậy sẽ giải quyết được triệt để và đáp ứng đúng mục tiêu đặt ra là mỗi ng dân sẽ có một sổ khám sức khỏe điện tử để tự quản lý khi đi khám chữa bệnh, không cần phải mang sổ giấy đi nữa. Và dữ liệu của người dân đi khám từ các cơ sở khác nhau sẽ liên thông và được khai thác sử dụng trên cơ sở được sự đồng ý của người dân khi đi khám chữa bệnh” – ông Nguyễn Trường Nam cho biết.

Như vậy, khi nền tảng sức khỏe điện tử được triển khai, người dân khi đi khám điều trị bệnh sẽ không phải mang quyển sổ khám bệnh bằng giấy nữa. Đến cơ sở y tế, bệnh nhân chỉ cần trình căn cước công dân là bác sĩ đã có thể biết được tiền sử bệnh tật, những loại thuốc đã và đang dùng. Cơ sở dữ liệu này được liên thông từ trạm y tế tuyến xã phường lên đến trung ương. Quá trình đi khám chữa bệnh của một người từ lúc sinh ra đến khi qua đời đều được lưu giữ trong hồ sơ sức khỏe điện tử.

“Khi dùng quyển sổ giấy, nhiều khi người dân quản lý không tốt làm thất lạc quyển sổ thì bác sĩ phải hỏi lại về tiền sử bệnh hoặc lần trước đi khám ở đâu, bệnh như thế nào. Như vậy sẽ mất nhiều thời gian, không tiện lợi, thậm chí là không chính xác. Nếu sử dụng nền tảng sức khỏe điện tử, bệnh của người dân sẽ tự động cập nhật trên sổ điện tử. Người dân sẽ có tài khoản ứng dụng trong quyển sổ sức khỏe điện tử, họ có thể quản lý được thông tin sức khỏe của mình, khi bác sĩ hỏi thì có thể kể ra được luôn. Nó được lưu trên sổ sức khỏe điện tử của người dân và nó được liên thông” – ông Nguyễn Trường Nam nhấn mạnh.

Trước mắt là nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ được thực hiện thí điểm ở Hà Nội, sau đó sẽ có kết quả đánh giá và triển khai nhân rộng ra toàn quốc. Để triển khai thành công, ông Nguyễn Trường Nam cho rằng cần có sự thành gia vào cuộc của Bộ Công an và cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

“Để triển khai được trên phạm vi toàn quốc và đến được vùng sâu vùng xa cũng là tương đối khó khăn nhưng chúng tôi đã có kế hoạch. Chúng tôi hỗ trợ kết nối cho tuyến y tế cơ sở. Trong quá trình triển khai có sự vào cuộc của hệ thống chính trị cũng như các ban ngành liên quan. Ví dụ như cơ quan Bảo hiểm xã hội VN sẽ là đơn vị hỗ trợ chúng tôi các dữ liệu từ các cơ sở khám chữa bệnh để kết nối các cơ sở dữ liệu dân cư và Cơ sở dữ liệu dân cư C06, Bộ Công an chẩn hóa dữ liệu đó để thành dữ liệu liên thông và tích hợp lên trên các nền tảng số y tế quốc gia và các hệ thống liên thông khác”.

Về nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa, hiện nay đang thực hiện thí điểm ở 2 tỉnh Khánh Hòa và Trà Vinh. Thống kê đã có hơn 1.000 bác sĩ tham gia nền tảng này, hơn 200.000 hồ sơ của người dân đã được tạo lập trên hệ thống. Thời gian tới, nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ sẽ được tiếp tục triển khai đẩy mạnh ở 19 tỉnh, thành phố sau đó nhân rộng ra cả nước.

Nước ta đặt mục tiêu đến năm 2025 có trên 90% dân số được quản lý sức khỏe. Mục tiêu này nếu đạt được sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và các y bác sĩ.