Khảo sát thực tế tại tổ 125, ấp Tam Đông 3, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn cho thấy, tại khu vực này hồi tháng 4 vừa qua có một bệnh nhân tử vong do mắc sốt xuất huyết. Vậy nhưng ở khu trọ ngay cạnh đó, bằng mắt thường quan sát, phóng viên thấy nhiều vật chứa nước có lăng quăng (bọ gậy) quanh nhà của người dân. Các vật dụng, chai lọ chứa nước có thể trở thành nơi cho muỗi đẻ trứng, chứa lăng quăng, nằm rải rác khắp vườn.

Ngoài ra, cách nhà của người tử vong do sốt xuất huyết chừng chục mét có một điểm nuôi rất nhiều gà chọi. Người dân sử dụng tô đựng thức ăn cho gà và sau một trận mưa, các đồ dùng này trở thành các ổ lăng quăng mà không có ai kiểm tra và đổ bỏ. Chưa kể khu vực xung quanh có nhiều rác thải, gáo dừa chứa nước không được dọn dẹp. Điều này là vô cùng nguy hiểm, dễ khiến dịch sốt xuất huyết lây lan.

Theo bà Lê Thị Hồng Nhung, Phó Chủ tịch xã Thới Tam Thôn, việc phòng chống dịch ở địa phương rất khó khăn. Bởi lẽ do địa bàn quá rộng, nhiều người dân nhập cư, thuê trọ. Xã đã yêu cầu người dân ký cam kết không để phát sinh lăng quăng tại 68 điểm, bao gồm cả công trình xây dựng trong gia đình. Tuy nhiên, nhiều người dân đi làm từ sáng sớm đến tối muộn về, không quan tâm đến thực tế công tác chống dịch và tình hình xung quanh. Hiện nay xã đang tăng cường các biện pháp tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi nhận thức của người dân, tuy nhiên rất lo ngại nguy cơ bùng phát dịch.

Chị Nguyễn Thị Loan, người thuê trọ tại đây cho biết, người dân xung quanh vẫn chưa có ý thức phòng chống dịch. Bản thân chị và người thân của chị không có thói quen ngủ mùng (màn), nên dù biết gần nhà có người tử vong do sốt xuất huyết, gia đình chị chỉ mua thêm bình xịt muỗi chứ không ngủ màn do không quen.

Câu chuyện của nhà chị Loan và bà con ở tổ 125, ấp Tam Đông 3, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn nói riêng cũng là thực tế của rất nhiều người dân và khu vực trên địa bàn TP.HCM.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng, ngành y tế TP.HCM đã có những dự báo về dịch bệnh sốt xuất huyết. Cho đến hiện tại thì những nguy cơ để bùng phát sốt xuất huyết đã hiện hữu. Cụ thể số ca mắc, số ca nặng và số ca tử vong cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, thực tế kiểm tra, người dân vẫn còn chủ quan, lơ là với dịch sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, các địa phương vẫn chưa vào cuộc quyết liệt trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết, còn nhiều điểm nguy cơ có lăng quăng, trong đó có cả trường học.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Hưng, sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị cho sốt xuất huyết và cũng chưa có vaccine phòng ngừa. Tuy nhiên, cách phòng ngừa khá đơn giản, chỉ cần mọi người ý thức diệt được muỗi vằn là trung gian truyền bệnh. Theo đó, các vật chứa trong nhà dân phải thường xuyên được kiểm tra, ít nhất người dân phải dành ra mỗi tuần từ 20 đến 30 phút để dọn dẹp tất cả các vật chứa nước, kể cả bình hoa.