Ngày 5/9/2022, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn thực hiện Dự án 7 “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em” của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025”, trong đó đặt ra mục tiêu 60% người cao tuổi thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm tại tuyến xã. Đây là chỉ tiêu quan trọng giúp tầm soát, phát hiện và điều trị sớm các bệnh không lây nhiễm, giúp nâng cao sức khỏe người cao tuổi tại vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa.

Tại xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa - nơi tập trung đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống, nhờ Dự án 7 công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào nơi đây đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt là công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Mấy ngày gần đây, thời tiết trở lạnh kèm mưa phùn nên ông Bùi Văn Thịnh 84 tuổi cảm thấy mệt, huyết áp tăng. Ra trạm y tế ông được uống thuốc hạ huyết áp và nằm nghỉ ngơi.

Theo BS Bùi Đình Sảo – Trạm trưởng Trạm y tế xã Thạch Tượng, ông Thịnh có tiền sử tăng huyết áp hơn chục năm nay, định kỳ hàng tháng ông được cấp phát thuốc huyết áp điều trị, tuy nhiên do thói quen ăn mặn, kèm theo thay đổi thời tiết nên huyết áp tăng cao đột ngột. Những lúc như vậy, BS Sảo lại tranh thủ tư vấn, nhắc nhở ông Thịnh tuân thủ tốt chế độ sinh hoạt để giữ huyết áp ổn định.

Xã Thạch Tượng có 5 thôn, trong đó 3 thôn thuộc vùng 135 nên điều kiện kinh tế của bà con nơi đây rất khó khăn, việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, khi được thụ hưởng dự án 7 tại địa phương, hàng năm, trạm y tế đã tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe sàng lọc một số bệnh thường gặp cho người cao tuổi ngay tại các thôn. Đến nay đã phát hiện và quản lý điều trị cho hơn 150 bệnh nhân tăng huyết áp. Nhờ vậy sức khỏe của người dân đã ngày một nâng cao, hạn chế các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

BS Bùi Đình Sảo chia sẻ, từ trung tâm xã ra đến bệnh viện huyện Thạch Thành khoảng hơn 30km, đa số bệnh nhân tăng huyết áp đều cao tuổi, không có phương tiện đi lại nên khi triển khai quản lý, điều trị bệnh tăng huyết áp ngay tại trạm đã giúp người bệnh tuân thủ điều trị tốt, nhờ đó hạn chế các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ xảy ra.

Bên cạnh chương trình khám bệnh định kỳ hàng năm, trạm y tế xã Thạch Tượng còn lồng ghép truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân thông qua các hoạt động của thôn, xã. Từ tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân cho lứa tuổi vị thành niên đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Tư vấn thay đổi thói quen ăn mặn, hạn chế uống rượu bia, thuốc lá cho người bệnh mạn tính đến các dấu hiệu nhận biết một số bệnh lý thường gặp. Nhờ vậy, bà con đã nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe và thay đổi hành vi có bệnh sẽ đến trạm y tế khám thay vì cùng giàng, cúng ma như trước.

Nhờ dự án 7, công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bảo dân tộc thiểu số tại xã Thạch Tượng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, công tác tiêm chủng cho trẻ em trên địa bàn xã cũng đạt 98%, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm mạnh, thanh thiếu niên được truyền thông, tư vấn chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân từ đó không còn tình trạng hôn nhân cận huyết,…chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao, góp phần phát triển kinh tế xã hội.