Nước ngọt- thức uống khoái khẩu của người trẻ

Không chỉ những cuộc vui liên hoan, thức uống này có thể được người trẻ sử dụng hằng ngày, trong bữa ăn, sau giờ học hoặc trong những buổi đi chơi cùng bạn bè.

Từ hơn 10 năm nay, những chai nước ngọt có ga hay nước tăng lực đã trở thành món đồ uống yêu thích của Nguyễn Anh Tuấn, 25 tuổi, sống tại Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Mỗi ngày Nguyễn Anh Tuấn uống một lon nước ngọt có ga hoặc nước tăng lực. Sở thích này càng được Tuấn và các bạn của mình tâm đắc mỗi khi thời tiết bắt đầu nóng lên. “Khi nắng nóng, có thể uống một lon với một cốc nhiều đá, cảm giác lúc đó rất đã và tuyệt vời.Còn khi lái xe đường xa mệt mỏi thì nước tăng lực cũng làm cho mình tỉnh táo hơn”- Anh Tuấn chia sẻ.

Vì thế, nhóm bạn của Tuấn chưa bao giờ từ bỏ các loại nước ngọt trong những cuộc vui bên cạnh rượu bia và rất nhiều món ăn giàu đạm. Bên cạnh đó, các bạn nữ lại thích các loại nước ngọt ăn kiêng vì cho rằng nó không chứa năng lượng, gây tăng cân.

Dường như có rất nhiều sự lựa chọn cho các bạn trẻ vốn là “fan” của các loại nước ngọt. Và tất nhiên, nếu là con gái thì khó có thể từ chối những cốc trà sữa. “Em có tình yêu mãnh liệt với trà sữa, hầu như các ngày trong tuần cũng đều uống được vì ngon, có nhiều vị trà xanh, nhài, socola, rất hợp khẩu vị”- em Phan Lê Thu - 14 tuổi học sinh THCS tại Hà Nội cho biết.

Số lượng người trẻ sử dụng các loại nước ngọt vẫn đang tăng, chủ yếu nằm trong độ tuổi thanh niên, học sinh...

Lạm dụng nước ngọt và nguy cơ đối mặt với các bệnh lý nguy hiểm

TS-BS Nguyễn Trọng Hưng- Trưởng khoa Khám và tư vấn dinh dưỡng người lớn- Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, trong các loại nước ngọt không có chất xơ, không có vitamin, chất khoáng hay dinh dưỡng. Nước ngọt chứa rất nhiều đường hấp thu nhanh và các năng lượng không cần thiết. Ngoài ra có chứa một ít chất cafeine và một số chất điện giải.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sau khi uống nước ngọt có gas cơ thể chúng ta sẽ chịu tác động đáng kể. Đó là nếu đưa nhiều đường vào cơ thể sẽ làm lượng đường trong người tăng lên, vị giác bị thay đổi. Khi lượng đường trong máu tăng lên sẽ bắt tuyến tụy phải tiết ra insulin để bình chỉnh lượng đường máu. Lâu hơn nữa sẽ gây ảnh hưởng đến máu, huyết áp, tiếp đó ảnh hưởng đến thần kinh, não bộ… và khi cơ thể phải bình chỉnh bằng cách đào thải đường qua nước tiểu cũng có nghĩa là các vi chất cũng bị đào thải khỏi cơ thể.

Theo BS Nguyễn Trọng Hưng, nếu lạm dụng nước ngọt, cơ thể phải đối mặt với các nguy cơ về chuyển hóa, đặc biệt là chuyển hóa đường do chúng ta đưa vào cơ thể quá nhiều năng lượng, đặc biệt là đường đơn. “Có khá nhiều bạn trẻ thường xuyên sử dụng nước ngọt, kết hợp với chế độ dinh dưỡng, vận động không lành mạnh dẫn đến thừa cân, béo phì và đây là nguyên nhân dẫn đến cac bệnh lý liên quan đến chuyển hóa như đái tháo đường, tiền đái tháo đường và các bệnh lý chuyển hóa trong gan” – BS Hưng cảnh báo.

Đâu là mức sử dụng trong giới hạn cho phép?

Đường có 2 loại, đường đơn giản và đường phức tạp. Khuyến cáo nên sử dụng đường phức sẽ làm tăng đường huyết chậm vì thế ít ảnh hưởng đến sức khỏe. Đường đơn, đường đôi để lại các hệ lụy cho cơ thể và loại đường này thường ẩn chứa trong các loại nước ngọt đóng chai, trà sữa… do đó, chúng ta cần kiểm soát lượng đường đưa vào cơ thể. “Tổng lượng đường đơn giản được khuyến nghị cho người trưởng thành không nên quá 10% tổng năng lượng. Nếu tổng năng lượng đối với người trưởng thành bình thường là khoảng 2200 kcal thì có thể ăn 50gr đường đơn giản. Còn nếu những người thừa cân béo phì hoặc những người rối loạn chuyển hóa đường hay đái tháo đường thì chúng ta nên giảm một nửa, tức là khoảng 25gr đường đơn/ngày”- BS Hưng lưu ý.

Hạn chế bệnh tật từ thói quen sử dụng nước ngọt

Để tránh hệ lụy từ việc lạm dụng nước ngọt, chuyên gia khuyến cáo, người trẻ cần chọn lối sống lành mạnh. Nếu các bạn trẻ vẫn thích uống nước ngọt thì nên rèn thói quen xem nhãn, với những loại bao bì không ghi nhãn thì nên ít sử dụng. Ví dụ như một lon nước ngọt đóng chai 330ml cung cấp khoảng 35-39 gr đường, nếu uống một chai nước ngọt thì đã gần hết lượng đường khuyến nghị, với những người thừa cân béo phì thì uống một chai nước ngọt đã vượt quá lượng đường khuyến nghị. Trà sữa có thể chứa tới 100gr đường như vậy là đã vượt quá 2 lần khuyến nghị đối với người bình thường được ăn. Ngoài việc kiểm soát lượng nước ngọt sử dụng, BS Nguyễn Trọng Hưng cho rằng, người trẻ nên có thói quen đi kiểm tra sức khỏe định kỳ và theo dõi cân nặng, bởi tất cả các bệnh về chuyển hóa đều liên quan mật thiết đến cân nặng.