Đau mắt đỏ là một bệnh cấp tính, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này.

Hiện chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

2. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

3. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

5. Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế...

Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, những tuần gần đây ghi nhận trung bình khoảng 700 trường hợp đau mắt đỏ đến khám trong một tuần. Riêng tuần vừa qua là 800 ca, có một số ca biến chứng do đau mắt đỏ.

Tại Đà Nẵng, theo Bệnh viện Mắt thành phố, khi bắt đầu năm học mới, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 600 - 700 bệnh nhân đau mắt đỏ (trong đó hơn 50% là trẻ em), tăng gấp 4 lần so với thời điểm trước khi bùng dịch.

Tại Quảng Bình, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh số bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ đang có chiều hướng gia tăng. Tuyên Hóa và Bố Trạch là 2 huyện có số mắc cao nhất. Huyện Bố Trạch có gần 1.000 ca, tập trung chủ yếu ở xã Liên Trạch (hơn 500 ca), xã Hưng Trạch (hơn 159 ca)… Huyện Tuyên Hoá có gần 2.500 ca, tập trung nhiều ở thị trấn Đồng Lê (668 ca), xã Tiến Hóa (282 ca); đối tượng mắc chủ yếu là học sinh mầm non và tiểu học.