Theo BS Nguyễn Duy Khánh - Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức, hẹp bao quy đầu là tình trạng da bao quy đầu không thể kéo xuống khỏi quy đầu. Đây là hiện tượng sinh lý thường gặp ở bé trai ngay từ khi chào đời (Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ trẻ trai sinh ra bị hẹp bao quy đầu là 96%. Tỷ lệ này giảm dần xuống còn 50% ở trẻ 1 tuổi, 20% ở trẻ 2 tuổi và đến 4 tuổi chỉ còn 10% trẻ có tình trạng hẹp bao quy đầu). Nguyên nhân là tại thời điểm này, bao quy đầu của trẻ có sự dính sinh lý giữa niêm mạc quy đầu và niêm mạc bao quy đầu.
Tuy nhiên, theo thời gian, dương vật của trẻ sẽ ngày càng phát triển to ra, lớp bao da quy đầu cũng sẽ dần dần tự tuột xuống để lộ đầu dương vật ra ngoài. Quá trình phân tách thường hoàn thành sau khi trẻ được 5 tuổi. Nếu trên 5 tuổi mà bao quy đầu vẫn không thể tự tuột xuống được (giữ nguyên trạng thái bọc kín dương vật) thì trẻ đã bị hẹp bao quy đầu bệnh lý, cần phải được thăm khám sớm tại cơ sở y tế chuyên khoa để có cách khắc phục tốt nhất.
Bên cạnh đó, tình trạng hẹp còn thể xuất phát từ nguyên nhân khác như: Cha mẹ hoặc trẻ vệ sinh bộ phận sinh dục không sạch sẽ, thao tác lộn bao quy đầu không đúng cách, viêm niệu đạo hay do thói quen cho trẻ mặc quần áo ẩm ướt, chật chội.
Trường hợp cháu Bảo 8 tuổi - con của chị Trần Phương Anh ở Hoàn Kiếm, Hà Nội là một ví dụ. Do ngại đụng chạm đến vùng nhạy cảm của con nên từ khi Bảo còn nhỏ, chị Phương Anh rất ít lột rửa bộ phận sinh dục và không phát hiện tình trạng hẹp bao quy đầu của con. Chỉ đến khi thấy con kêu đau ở bộ phận sinh dục kèm theo hiện tượng sưng đỏ ở "cậu nhỏ", đưa con đi khám, vợ chồng chị Phương anh mới ngỡ ngàng khi biết con bị hẹp bao quy đầu khiến nước tiểu và cặn bận ứ đọng gây viêm nhiễm.
“Cháu bị cặn bao quy đầu, do mình vệ sinh hàng ngày không để ý nên nó không sạch sẽ lắm. Cháu tự tắm từ lâu rồi. Em cũng cứ nghĩ bình thường rửa sạch sẽ chứ không biết phải lộn rửa cho cháu. Em sợ đau mà cũng không dám động vào của nó” - chị Phương Anh chia sẻ.
Thực tế cho thấy, nhiều cha mẹ mới chỉ tập trung chăm sóc về dinh dưỡng và vận động của trẻ mà chưa có kiến thức về sức khỏe sinh sản cho con. Nhiều cha mẹ còn ngại ngùng khi nhắc đến bộ phận nhạy cảm của con. Để nhận biết tình trạng bao quy đầu có bị hẹp hay không, bác sĩ Khánh hướng dẫn: "Bao quy đầu không tuột khỏi quy đầu, không để lộ quy đầu khi dương vật cương cứng hoặc khi tiểu tiện. So với các bé trai khác thì trẻ mắc hẹp bao quy đầu có tia nước tiểu rất nhỏ và yếu, bé khó tiểu, tiểu đau nên rất dễ khóc, có thể tạo nên túi phồng bao quy đầu khi tiểu. Khi chất cặn bã tích lại nhiều có thể khiến bao quy đầu sưng phồng, viêm tấy, đau đớn".
Theo BS Nguyễn Duy Khánh, đối với trẻ nhỏ, cha mẹ có thể khắc phục hẹp bao quy đầu cho trẻ bằng cách nong bao quy đầu mỗi ngày khi tắm. Cách thực hiện khá đơn giản, cha mẹ dùng tay tóm nhẹ da bao quy đầu, đưa nhẹ nhàng bao quy đầu lên xuống, sang trái, phải nhẹ nhàng mỗi ngày một chút một để bao quy đầu dần nong ra. Lưu ý không kéo quá mạnh có thể làm tổn thương da quy đầu.
Trong trường hợp việc tự nong bao quy đầu ở trẻ không hiệu quả, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để can thiệp.
Nghe âm thanh bài viết tại đây: