Bệnh viện Hùng Vương ở phường 12, quận 5, TP. HCM là một trong những bệnh viện sản phụ khoa lớn nhất TP. HCM với quy mô 1200 giường. Trong những ngày này, bệnh viện được chia làm 2 khu vực, một bên phục vụ sản phụ bình thường, một bên phục vụ sản phụ đang nhiễm COVID-19. Hiện, có hơn 120 sản phụ mắc COVID-19 đang được điều trị, chăm sóc tại đây.

TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết, chỉ sau 1 tuần triển khai mô hình bệnh viện điều trị COVID-19, tất cả các giường bệnh đều kín chỗ. Ban đầu BV chỉ nhận những sản phụ nhiễm Covid-19 có chỉ định can thiệp, sản phụ có thai kỳ trên 38 tuần. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều trường hợp đang mang thai 19, hơn 20 tuần khi đến BV trong tình trạng suy hô hấp nên không thể không tiếp nhận.

Cũng theo BS Diễm Tuyết, việc điều trị, chăm sóc sản phụ mắc COVID-19 khó gấp rất nhiều lần. Khi mang thai, bản thân người bình thường đã khó thở, còn người nhiễm COVID-19 bị tổn thương đường hô hấp, nguy cơ thiếu oxy cho cơ thể sẽ tăng cao, việc giữ thai nhi khỏe mạnh là một điều rất khó. Trong phân tầng điều trị của Bộ Y tế, các thai phụ cũng thuộc vào nhóm có nguy cơ cao có thể diễn biến nặng.

Bên cạnh đó việc điều trị COVID-19 hoàn toàn khác với chuyên khoa của bệnh viện đang phụ trách là sản phụ khoa, nhi sơ sinh. Điều đó bắt buộc các y bác sĩ của bệnh viện phải vừa làm vừa học để đáp ứng với tình hình dịch bệnh.

Thời điểm hiện tại, dù lực lượng có bị chia 5 sẻ 7 để tham gia các hoạt động chống dịch khác nhau, nhưng các y bác sĩ ở đây luôn động viên nhau để hiệu suất công việc không chỉ là 100% mà lên tới 200-300%.

“Chúng tôi đều hiểu sự nỗ lực của mình sẽ góp một phần đẩy lùi bệnh tật, tìm lại sự bình an cho TP. HCM. Nhiệm vụ của chúng tôi là cứu sống người bệnh, vì vậy dù có phải tiếp xúc với dịch bệnh, nguy cơ lây nhiễm cao chúng tôi vẫn cố hết sức” - BS Hoàng Thị Diễm Tuyết chia sẻ.

Để hoàn thành mục tiêu cứu sống sản phụ và em bé, các y bác sĩ ở đây đã xác định, nếu bệnh nhân đến không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì cố gắng hết sức để bệnh nhân không chuyển sang trung bình. Nếu bệnh nhân đang có mức độ trung bình thì cố gắng không để chuyển sang nặng.

Một khi bệnh nhân có biểu hiện trung bình sẽ cố gắng xem xét tình hình, em bé có thể nuôi được sẽ chấm dứt thai kỳ (mổ bắt con) để vừa có thể cứu được mẹ vừa cứu được con. Khi chấm dứt thai kỳ, nhu cầu oxy của sản phụ cũng sẽ giảm, việc xử lý suy hô hấp cũng dễ dàng hơn.