Có những thanh niên mới 20 đến 25 tuổi đã bị suy thận ở giai đoạn cuối
“Có rất nhiều người trẻ đang điều trị nội trú tại Trung tâm thận, tiết niệu và lọc máu, hầu hết những người này là do viêm cầu thận mạn tính. Có những thanh niên mới 20 đến 25 tuổi đã bị thận ở giai đoạn cuối...”. TS.BS Nghiêm Trung Dũng - Giám đốc Trung tâm thận, tiết niệu và lọc máu, Bệnh viện Bạch mai mở đầu cuộc trò chuyện với phóng viên VOV2 bằng những thông tin như vậy. Theo TS.BS Dũng đây là vấn đề y tế rất đáng báo động.
“Khi chúng ta không phát hiện bệnh sớm và quản lý người bệnh ở giai đoạn bệnh nhẹ thì ở giai đoạn muộn thời gian điều trị bảo tồn không còn nữa. Có nhiều bệnh nhân đến Trung tâm của chúng tôi ở giai đoạn phải lọc máu cấp cứu, lúc đó suy thận rất nặng rồi, không thể điều trị thay thế bằng phương pháp lọc máu được nữa, thậm chí đã bắt đầu xuất hiện biến chứng đến các cơ quan như tim mạch, hô hấp. Điều đó sẽ hạn chế quyền lựa chọn của người bệnh” - TS.BS Nghiêm Trung Dũng cho biết.
Trung bình mỗi ngày Trung tâm Thận, Tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận khoảng 30-40 bệnh nhân mới. Tuy chưa có thống kê cụ thể, song theo các bác sĩ ngày càng có nhiều người dưới 30 tuổi – độ tuổi đang là lao động chính trong gia đình.
T.V. M, 30 tuổi ở tỉnh Bắc Giang là một trong số gần 200 bệnh nhân đang điều trị tại đây.
5 năm trước khi đang đi làm M. có biểu hiện đau bụng, buồn nôn. Đến bệnh viện huyện khám M. được chẩn đoán bị suy thận giai đoạn cuối. Em vô cùng bất ngờ vì trước đó không có biểu hiện gì, vẫn sinh hoạt và đi làm bình thường. Cũng kể từ đó tuần 3 buổi M. phải đến bệnh viện để lọc máu chu kỳ. Cuộc sống của em đã thay đổi hoàn toàn.
“Em muốn đi làm việc nhưng sức khỏe lại không cho phép, thậm chí chỉ sinh hoạt bình thường thôi cũng không được…” – M. chia sẻ.
Trường hợp của bệnh nhân P.K.H, 30 tuổi ở Hà nội cũng như vậy. Năm 2020 em đi khám sức khỏe định kỳ và phát hiện trong nước tiểu có protein niệu. H. được khuyến cáo nên đi khám chuyên sâu tại Bệnh viện Bạch Mai, sau đó em được hướng dẫn theo dõi và điều trị bằng thuốc.
Năm 2022, khi thấy nước tiểu có nhiều bọt và lâu tan hơn bình thường, H. đến bệnh viện khám và được hướng dẫn phải thay đổi chế độ ăn, tiếp tục dùng thuốc theo đơn của bác sĩ.
Nhưng mới đây, khi thấy xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, mất ngủ, thay đổi vị giác, H. đến Trung tâm thận tiết niệu và lọc máu để khám thì được chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối phải điều trị thay thế.
“Chức năng thận giờ mất gần như hoàn toàn, đang chờ làm cầu thận ổn để lọc máu chu kỳ...’” – H. nói.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Phạm Tiến Dũng, TT Thận, Tiết niệu và Lọc máu, Trung tâm đã gặp khá nhiều trường hợp như hai bệnh nhân trên. Thậm chí có trường hợp mới 15-16 tuổi – khi được chẩn đoán mắc bệnh thận mạn thì bệnh đã ở vào giai đoạn cuối.
“Đa số bệnh nhân đến với chúng tôi trong hoàn cảnh quá muộn, mọi thứ gần như khó có thể đảo ngược. Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm chúng ta có thể làm chậm tiến triển của bệnh thận…” – theo BS Phạm Tiến Dũng.
Xu hướng trẻ hóa người bị suy thận liên quan đến yếu tố nguy cơ nào?
Bệnh thận thường diễn biến rất âm thầm, giai đoạn đầu thường không có triệu chứng. Ở Trung tâm Thận tiết liệu lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai, có nhiều người chỉ phát hiện bệnh sau khi khám sức khỏe tại cơ quan hoặc làm hồ sơ đi du học.
Theo TS.BS Nghiêm Trung Dũng - Giám đốc Trung tâm thận, tiết niệu và lọc máu, BV Bạch mai, xu hướng trẻ hóa người bị suy thận liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó ngoài nguyên nhân do viêm cầu thận thì thói quen ăn uống, sinh hoạt không điều độ của người trẻ cũng là yếu tố nguy cơ thúc đẩy các bệnh lý chuyển hóa, trong đó có bệnh thận mạn tính.
“Người trẻ bây giờ sử dụng quá nhiều đồ uống có đường, ăn nhiều đồ ăn tiện lợi như mì gói có hàm lượng muối cao cộng với thói quen sinh hoạt không điều độ, không đúng theo nhịp sinh học. Ví dụ như là ngủ quá muộn, lười không vận động dẫn đến béo phì, đây là những yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý, trong đó có bệnh thận” – TS.BS Nghiêm Trung Dũng nhấn mạnh.
Không giống các bệnh lý khác, bệnh thận diễn biến rất âm thầm, không có biểu hiện trên lâm sàng, cách duy nhất để phát hiện sớm là khám sức khỏe định kỳ, tuy nhiên nhiều người dân chưa có thói quen này.
“Chỉ cần làm xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu, xét nghiệm chức năng thận với chi phí rất thấp là hoàn toàn chúng ta có thể loại trừ được 1 bệnh lý hay gặp và rất nguy hiểm đó là bệnh thận mạn tính. Do đó mỗi người dân cần hiểu về tầm quan trọng của sàng lọc sớm bệnh thận và duy trì thói quen đi khám sức khỏe định kỳ” - TS.BS Nghiêm Trung Dũng khuyến cáo.
Cũng theo bác sĩ Dũng, nếu phát hiện bệnh thận ở giai đoạn cuối chỉ có 3 cánh cửa để bệnh nhân lựa chọn đó là chạy thận nhân tạo chu kỳ, lọc máu màng bụng ngoại trú và ghép thận. Nhưng dù là lựa chọn nào thì gánh nặng của bệnh sẽ theo bệnh nhân và gia đình trong suốt chặng đường còn lại của cuộc đời./.
Nghe âm thanh tại đây: