Bác sĩ Nguyễn Hằng - phụ trách chuyên môn phòng chẩn trị YHCT Phúc Hưng Đường cho biết, trong y học cổ truyền, xông hơi có tác dụng bảo vệ lớp niêm mạc mũi họng, cải thiện triệu chứng ngạt mũi, giảm xung huyết, giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn. Nhờ tác dụng của nước nóng, tinh dầu có trong các loại lá hoặc viên xông sẽ được khuếch tán trong không khí và có tác dụng khử khuẩn.

Nếu xông mặt hay cơ thể hơi nóng từ tinh dầu có công dụng khai mở lớp bì mao và chất tinh dầu có trong thảo mộc sẽ thấm qua các lớp bì mao đó đi vào cơ thể giúp giải cảm, trừ phong hàn. Xông hơi có tác dụng tốt với các trường hợp bị hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi, hay viêm họng. Covid-19 cũng có một số triệu chứng này nên theo BS Nguyễn Hằng-phụ trách chuyên môn phòng chẩn trị YHCT Phúc Hưng Đường, việc xông hơi có một số tác dụng nhất định.

-Giai đoạn sau sốt: người mệt mỏi, tinh thần uể oải, đau nhức có những người bị mất ngủ, xông giúp giải cảm, thư giãn, giảm đau nhức, giúp cơ thể dễ chịu, ngủ ngon

-Với người bị mất vị giác: tinh dầu có tính khai khiếu, khi xông sẽ kích thích tuyến nước bọt, tăng khả năng tiêu hoá.

-Mất khứu giác: Khi xông, tinh dầu sẽ kích thích các dây thần kinh dưới niêm mạc mũi, giúp khả năng phục hồi khứu giác tốt hơn.

Tuy nhiên BS Nguyễn Hằng lưu ý, khi xông mọi người cần giữ khoảng cách để tránh bị bỏng, thứ 2 là chú ý giữ nhiệt do hơi nước bốc hơi liên tục. Thời gian xông mỗi lần tốt nhất khoảng 15 đến 20 phút. “Trong quá trình xông, nếu thấy khó thở, tức ngực, choáng váng hay bất cứ dấu hiệu bất thường nào, cần dừng xông ngay. Không nên xông quá lâu hoặc quá nhanh, nếu nhanh quá lớp bì mao chưa mở ra cũng không có tác dụng. Sau khi xông cần lau khô, giữ ấm và tránh gió”.

Một lưu ý quan trọng nữa là cần chọn đúng nguyên liệu để đạt hiệu quả khi xông. Ngoài các loại lá dân gian hay sử dụng, có thể xông bằng các loại tinh dầu, tuy nhiên khi mua cần lựa chọn các sản phẩm được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành.

Ngoài ra, nếu phun khử khuẩn trong gia đình, bác sĩ Hằng khuyến cáo không nên phun dạng hơi nước mà nên sử dụng cồn hoặc một số họa chất phun khử khuẩn đã được Bộ Y tế phê duyệt. Tuy nhiên không nên lạm dụng vì khi phun, hơi nước sẽ vậy sẽ làm không khí thêm ẩm ướt, là điều kiện lý tưởng để các loại vi khuẩn phát triển, sinh sôi. Đây là điều kiện thuận lợi dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm mũi họng cấp tính, viêm phế quản cấp, viêm phổi và một số bệnh ngoài da.