Tại nước ta, tỷ lệ mắc bệnh tim mạch và xu hướng tử vong do bệnh tim mạch đang ngày càng tăng vì liên quan đến sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường...

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, có khoảng 170.000 người Việt Nam chết vì bệnh tim mạch trong năm 2019, chiếm 31% tổng số ca tử vong trên cả nước.

Bệnh có thể xảy ra với bất kỳ ai và ở bất kỳ lứa tuổi nào, tuy nhiên những người có các yếu tố nguy cơ như người hút thuốc lá, người bị thừa cân béo phì, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, đái tháo đường... cần tầm soát thường xuyên hơn.

Theo TS.BS Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, việc phát hiện sớm bệnh tim mạch có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp ngăn ngừa hoặc giảm bớt các tai biến nguy hiểm, đồng thời còn mang lại cơ hội sớm được tiếp cận các phương pháp điều trị mới để có thể đạt hiệu quả điều trị tốt nhất. Có thể phát hiện sớm bệnh tim mạch dựa trên những biểu hiện sau:

-Thứ nhất là triệu chứng khó thở, có thể gặp cả khi nghỉ ngơi, vì sao khó thở vì quả tim co bóp yếu và không đảm bảo máu đi nuôi cơ thể,

-Thứ 2 là một số biểu hiện như đau ngực, mệt mỏi thường xuyên, thậm chí kiệt sức trong các hoạt động sinh hoạt thường ngày, ho kéo dài và dai dẳng.

-Một dấu hiệu nữa là người bệnh hay cảm thấy chóng mặt, phù nề chân tay nặng hoặc nhiều người chỉ có biểu hiện mất ngủ hay lo lắng bồn chồn.

Các chuyên gia tim mạch khuyến cáo, mọi người dân trong cộng đồng cần chủ động đi khám tim mạch khi thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường. Đồng thời cần tầm soát tim mạch, đo xơ vữa động mạch 2 lần/năm để phát hiện, phòng ngừa và giảm thiểu tối đa các biến chứng do bệnh gây ra.

Phần lớn nguyên nhân dẫn đến bệnh lý tim mạch thuộc về nhóm yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được, do đó để dự phòng không mắc các bệnh lý tim mạch, duy trì một trái tim khỏe mạnh, quan trọng nhất là phải ăn uống khoa học, giảm ăn mặn, bởi nếu ăn mặn sẽ bị tăng huyết áp. Nên hạn chế ăn đồ ăn nhanh, đồ ăn chứa nhiều chất béo, đồ có nhiều hàm lượng cholesterol như đồ xào, rán...

"Mỗi ngày nên dành ra 30 phút để hoạt động thể thao và cần có kế hoạch để kiểm soát các chỉ số huyết áp của chúng ta một cách ổn định. Yếu tố quan trọng nữa là phải tránh hút thuốc lá cũng như những nơi có khói thuốc lá để giữ cho trái tim của chúng ta được khỏe mạnh" - TS.BS Nguyễn Thị Thu Hoài khuyến cáo.

Hiện nay, với sự tiến bộ của y học, bệnh tim mạch có thể được tầm soát, phòng ngừa từ sớm và điều trị hiệu quả để hạn chế những biến chứng nguy hiểm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.