Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái ở Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, đa số các trường hợp mắc cúm có biểu hiện từ nhẹ đến trung bình, hoàn toàn có thể kiểm soát được tại nhà, nhưng cũng có một tỷ lệ nhất định phải vào viện, đó là các trường hợp bị viêm phổi.

Viêm phổi lúc đầu có thể do virus cúm gây nên nhưng sau đó nhanh chóng chuyển sang bội nhiễm thêm các loại vi khuẩn như phế cầu và tụ cầu, khiến tình trạng của người bệnh nặng lên, xuất hiện cơn khó thở, thở nhanh, mệt lả, tím tái môi, ý thức lơ mơ... lúc này cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế” – thạc sĩ, BS Nguyễn Quốc Thái cho biết.

Những người trên 60 tuổi, mắc các bệnh lý nền như đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người thừa cân, béo phì và đặc biệt là phụ nữ mang thai…là nhóm dễ bị biến chứng viêm phổi khi mắc bệnh cúm.

Viêm phổi do virus ở phụ nữ mang thai mắc cúm điều trị rất khó khăn, việc duy trì giữ được tính mạng cho bà mẹ rất nan giải nên chúng tôi có lời khuyên phụ nữ mang thai cần phải được phòng cúm” – bác sĩ Nguyễn Quốc Thái nhấn mạnh.

Trong trường hợp chỉ có ho, sốt, đau mỏi người hoàn toàn có thể dự điều trị tại nhà bằng các loại thuốc giảm đau, hạ sốt thông thường. Nên uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm, nếu ho khan nên sử dụng siro ho để làm giảm cảm giác ngứa họng.

Tuyệt đối không tự ý điều trị bằng thuốc Tamiflu. “Chỉ những trường hợp có nguy cơ cao, dễ bị biến chứng như phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh mạn tính…mới có chỉ định dùng nhưng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Nếu tự ý sử dụng mà bị các tác dụng bất lợi của thuốc sẽ rất khó xử trí, hơn nữa có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc, không còn thuốc điều trị”.

Trong thời điểm bệnh cúm vẫn lưu hành ngoài cộng đồng như hiện nay, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái khuyến cáo, những người có nguy cơ cao nên thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn, tránh tập trung nơi đông người, chủ động tiêm vaccine phòng cúm mỗi năm 1 lần để không mắc bệnh.